Ruộng lúa 1,7ha của gia đình bà Phan Thị Lan, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú bị thiệt hại hoàn toàn 1ha do hạn, mặn.
Trước tình hình khô hạn, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt, Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thành lập 5 tổ công tác để phối hợp cùng các địa phương hỗ trợ nông dân thực hiện các biện pháp bảo vệ cây trồng, vật nuôi nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Phạm Minh Truyền, sau khi thành lập các tổ công tác đã phối hợp chặt chẽ cùng địa phương thực hiện khảo sát thực tế về mức độ, khả năng dự báo thiệt hại về cây lúa, hoa màu, cây ăn trái, vật nuôi ở từng vùng.
Các cán bộ của tổ công tác còn kiểm tra tất cả tuyến kênh nội đồng đánh giá khả năng cung cấp nước ngọt để đề xuất nguồn nhân lực, vật lực bơm tát đưa nước ngọt lên đồng.
Tính đến nay, 5 tổ công tác đã phối hợp chặt lãnh đạo địa phương tổ chức 14 lớp tập huấn về các biện pháp ứng phó và phòng, chống hạn, mặn trên lúa, rau màu, cây ăn trái, cùng với tư vấn cho hộ nông dân chuyển đổi cây trồng trên những diện tích lúa Đông Xuân bị thiệt hại.
Bên cạnh đó, các tổ công tác còn phối hợp thực hiện nhiều bản tin phát trên sóng phát thanh tại các địa phương; cấp phát hơn 3.000 tờ bướm hướng dẫn về kỹ thuật canh tác lúa và cây ăn trái trong điều kiện hạn, mặn...
Ông Phạm Minh Truyền cho biết, hơn 2 tháng nay, tỉnh Trà Vinh đã khẩn trương nạo vét xong 43 công trình kênh mương thủy lợi, với tổng chiều dài gần 38km và huy động lực lượng vớt lục bình trên bề mặt hàng km kênh mương cấp II, kênh nội đồng để khai thông dòng chảy, dẫn nước ngọt tưới lúa và hoa màu.
Tuy nhiên, khô hạn, độ sâu xâm nhập mặn vào các sông Cổ Chiên, Sông Hậu gần 70km, gây thiệt hại khá lớn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.
Tính đến nay, toàn tỉnh Trà Vinh có 6.710 hộ bị thiệt hại gần như hoàn toàn 5.177ha lúa Dông Xuân; trong đó nhiều nhất tại huyện Châu Thành, Trà Cú, còn lại ở các huyện Cầu Ngang, Châu Thành, Duyên Hải, Cầu Kè, Tiểu Cần, mức độ thiệt hại 30-70%.
Ở vùng cây ăn trái trọng điểm huyện Cầu Kè, nhiêu vườn cây ăn trái chưa có bờ bao khép kín đã bị ngập mặn cục bộ gần 73 ha cam, bưởi... dẫn đến bị héo và rụng lá, tỷ lệ 10-15%.
Riêng hơn 1.710ha cây màu lương thực và hơn 9.330 ha cây màu thực phẩm, công nghiệp ngắn ngày được nông dân sử dụng nguồn nước ngọt dự trữ để sản xuất chưa bị thiệt hại.
Tuy nhiên, nếu tình hình hạn, mặn kéo dài thêm khoảng 30 ngày, khả năng cây màu cũng bị thiệt hại do không còn đủ nguồn nước ngọt để tưới./.