”Đã từ lâu, rừng luôn giữ vai trò rất quan trọng, bảo vệ môi trường sống của con người và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng ác liệt với những hậu quả khôn lường, rừng là cứu cánh trong việc duy trì nguồn sống và khả năng tự bảo vệ của con người trước những biến động của thiên nhiên, thiên tai, cũng như giảm thiểu biến đổi khí hậu và những tác động tiêu cực của nó.
Tuy nhiên, tình trạng mất rừng và suy thoái rừng đang diễn ra một cách nghiêm trọng trên thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Do đó, để góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu, thông qua giảm phát thải khí nhà kính, chúng ta cần hành động ngay để ngăn chặn tình trạng mất rừng và suy thoái rừng đáng báo động hiện nay. Trong đó, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác toàn cầu với những cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính và kỹ thuật mới để giúp các quốc gia tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Việt Nam có nguồn tài nguyên rừng rất đa dạng, phong phú, chiếm khoảng 10% tổng số loài chim và thú trên toàn cầu. Nhiều loài động, thực vật độc đáo chỉ tìm thấy ở Việt Nam. Theo số liệu thống kê, khoảng 3% số loài hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn thế giới đang cư trú tại Việt Nam. Là một nước có giá trị đa dạng sinh học cao, đứng thứ 16 trên thế giới với nhiều loại hệ sinh thái khác nhau, Việt Nam được cộng đồng quốc tế công nhận cần được ưu tiên cao cho bảo tồn toàn cầu.
Biến đổi khí hậu, một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, đã, đang và sẽ tác động rất mạnh đến hầu hết các ngành kinh tế chủ chốt của Việt Nam, trong đó có lâm nghiệp. Hạn hán và nắng nóng đã, đang và sẽ là nguyên nhân gây ra cháy rừng, hủy hoại nhiều cánh rừng ở Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 5 triệu ha rừng bị liệt vào loại dễ cháy ở bất cứ mùa nào trong năm, trong đó 56% dễ bị cháy trong mùa khô. Ngoài ra, biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của rừng, cũng như làm tăng nguy cơ mất rừng, nguy cơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, đe dọa tới đa dạng sinh học rừng.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam, nếu nước biển dâng 1m sẽ có khoảng 250.000 ha rừng ngập mặn sẽ bị mất, 46 khu dự trữ sinh quyển quan trọng và 9 khu rừng đặc dụng có giá trị đa dạng sinh học cao sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Các loài nhiệt đới ở các hệ sinh thái ven biển sẽ giảm và có xu hướng di cư lên cao hơn và lùi sâu hơn vào đất liền; các loài ôn đới cũng sẽ giảm.
Nếu khí hậu toàn cầu biến đổi như kịch bản hiện nay, cả ba loại rừng đều bị suy giảm về diện tích và thay đổi phân bố.
Nhận thức được vai trò quan trọng của rừng trong việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu biến đổi khí hậu, Việt Nam đã tích cực triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về lâm nghiệp như Chương trình phủ xanh đất trống đồi, núi trọc (Chương trình 327) và Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng và các chương trình lớn liên quan như Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó chú trọng vào việc bảo tồn và phát triển bền vững hệ thống rừng tự nhiên; thiết lập và quản lý bền vững hệ thống rừng phòng hộ ven biển, bao gồm cả rừng ngập mặn; xây dựng và triển khai thí điểm các dự án về cơ chế phát triển sạch trong lâm nghiệp; tăng cường các sáng kiến quản lý đất lâm nghiệp bền vững gắn với giảm nghèo; lồng ghép các vấn đề thực thi các Công ước quốc tế, như Công ước khung về biến đổi khí hậu, Công ước đa dạng sinh học và Công ước chống hoang mạc hóa.
Chính vì vậy, tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam đã tăng từ 27,2% năm 1990 lên đến 38,7% năm 2008, góp phần giải quyết việc làm cho hàng triệu hộ gia đình nông dân. Tuy nhiên, trữ lượng và chất lượng rừng nhìn chung giảm, nhiều cánh rừng tự nhiên trở thành rừng nghèo.
Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu rất gay go và ác liệt, đòi hỏi tất cả chúng ta phải tăng cường trách nhiệm và khẩn trương có những quyết sách ở cấp toàn cầu. Cộng đồng thế giới cần tăng cường sự hợp tác, đoàn kết và tăng cường đối thoại chính sách để đưa ra các hành động cụ thể ở cấp quốc gia và khu vực. Chúng ta sẽ không thể thành công nếu chỉ tiếp tục kéo dài đối thoại và đàm phán, chậm tiến hành các hành động cụ thể để có được các thành quả thiết thực ở cấp hiện trường, bởi vì đó mới là thước đo chính xác nhất các nỗ lực của tất cả chúng ta”.