Dự hội nghị có đồng chí Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo PCLB-TKCN Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban TVTU: Bùi Đức Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Đoàn Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ngô Quang An, Giám đốc Sở KH và ĐT; Đại tá Đặng Văn Sinh, Giám đốc Công an tỉnh; Thiếu tướng Trần Quang Tiến, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh; Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh là thành viên Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh thăm, tặng quà bệnh nhân Huỳnh Văn Hiếu, nhân viên kỹ thuật phát sóng Đài PT-TH tỉnh |
Trưa ngày 25-10, bão số 8 (Sơn Tinh) đã đi vào Biển Đông. Đến 17 giờ ngày 28-10, bão số 8 đã đi sát bờ biển và ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh ta. Đây là cơn bão mạnh, gió cấp 11, 12, giật trên cấp 13, 14 trong thời gian dài (từ 17 giờ ngày 28-10 đến 2 giờ đêm ngày 29-10) gây mưa lớn trên diện rộng; lượng mưa trung bình ở các huyện Xuân Trường là 180mm, Trực Ninh 254mm, Giao Thủy 379mm, Hải Hậu 239mm… Trước đó, thực hiện các công điện của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN của tỉnh, các sở, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống bão số 8. Tính đến 8 giờ ngày 28-10, toàn bộ 2.080 tàu thuyền trên toàn tỉnh đã về nơi neo đậu an toàn. Trong đó có 2.018 tàu/10.450 ngư dân neo đậu tại các điểm tránh trú bão của tỉnh; 62 tàu/422 ngư dân neo đậu tại tỉnh bạn; 5 tàu/28 ngư dân tỉnh bạn đang neo đậu an toàn tại các vùng neo đậu ở tỉnh ta. Toàn tỉnh đã di dời 1.800 người tại các chòi canh vùng nuôi trồng thủy sản vào bờ tránh trú an toàn. Vào lúc 17 giờ ngày 27-10, tỉnh đã quyết định sơ tán dân ở khu vực ngoài đê chính vùng cửa sông, ven biển, khu vực nguy hiểm bao gồm cả những người ở chòi canh; sơ tán 1.108 hộ/4.417 người của 3 huyện ven biển. Sau khi có tin bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào khu vực các tỉnh từ Nam Định - Thanh Hóa, UBND tỉnh đã chỉ đạo trực tiếp tiếp tục sơ tán dân ở sát đê và trong đê. Số lượng di dời 8.700 người; trong đó huyện Hải Hậu 3.400 người, Nghĩa Hưng 2.800 người, Giao Thủy 2.500 người. Tổng số dân di dời vào khu vực an toàn là 13.100 người. Tại huyện Nghĩa Hưng đã tập kết 20 nghìn m2 bạt chống tràn, 100 rọ thép, 200m3 đá hộc huy động 340 nhân lực và phương tiện, máy thi công tại đê Cồn Xanh để hộ đê. Đoạn kè Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) với biện pháp dùng cấu kiện bê tông (kích thước 100x200cm) xếp gia cố chân kè dài 60m. Kè Phúc Hải, đắp bồi trúc chân dài 400m, khối lượng khoảng 1.000m3; kè Nghĩa Thắng mất 500 cấu kiện bê tông (kích thước 2x1x0,5m); xử lý góc nhô cửa cống Quần Vinh 2 bằng cấu kiện bê tông, độ dài 35m, cao 6m. Khu vực đê Cồn Xanh, tận dụng cấu kiện bê tông của đơn vị thi công xếp dọc mặt đê dài 1.200m để chống sóng. Đến ngày 27-10, diện tích lúa toàn tỉnh chưa thu hoạch còn trên 5.810ha, trong đó có 3.330ha lúa đặc sản.
Nhà dân tại xã Hải Triều bị tốc mái do bão số 8. |
Theo báo cáo sơ bộ của Sở NN và PTNT, do ảnh hưởng của bão số 8, hậu quả thiệt hại đã có 2 người chết (là ông Nguyễn Văn Toán, xóm 24, xã Hải Đường (Hải Hậu) bị đắm tàu tại khu vực Cồn Nhất, Ngô Đồng (Giao Thủy) đã tử vong tại Trạm Y tế xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương (Thái Bình); bà Cao Thị Tuyết, ở Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy) bị nhà sập đè chết); bị thương 4 người (trong đó có anh Huỳnh Văn Hiếu, nhân viên kỹ thuật (Đài PT-TH tỉnh) bị thương do cột phát sóng đổ; 1 người ở Xuân Tân (Xuân Trường), 2 người ở Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng); 1 trường hợp mất tích là anh Trần Văn Trường, xã Giao Hải (Giao Thủy). Về đê điều có 3 vị trí đê kè thuộc huyện Giao Thủy bị sụt lún, diện tích 200m2, ước thiệt hại 5 tỷ đồng; bơm tiêu chống úng 30 tỷ đồng. Về nông nghiệp bị đổ và ngập úng hơn 5.810ha lúa mùa và hơn 12.800ha cây vụ đông, ước thiệt hại khoảng 252 tỷ đồng; thủy sản đổ và hư hại trên 600 chòi canh, mất toàn bộ diện tích nuôi ngao vạng và thủy sản mặn lợ, ước thiệt hại trên 50 tỷ đồng. Điện lực đổ và nghiêng 500 cột cao thế, 5.000 cột hạ thế, hư hỏng nhiều tuyến đường dây, ước thiệt hại trên 100 tỷ đồng. Bưu chính viễn thông bị đổ 31 cột thu phát sóng, 19 tuyến cáp quang bị đứt, hàng nghìn cột treo cáp bị đổ gãy, ước thiệt hại 300 tỷ đồng. Toàn bộ 5 huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường, Trực Ninh bị mất sóng Viettel. Cột thu phát sóng Đài PT-TH tỉnh cao 180m bị đổ gãy, ước thiệt hại trên 50 tỷ đồng. Nhiều thiệt hại về nhà cửa bị tốc mái, hư hỏng; hàng nghìn cây bóng mát, cây ăn quả bị đổ gãy; biển quảng cáo, đèn trang trí bị hư hại… ước thiệt hại trên 100 tỷ đồng. Toàn tỉnh ước thiệt hại ban đầu trên 872 tỷ đồng.
Trạm BTS đường Hàn Thuyên bị đổ |
Tại hội nghị, các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh đã báo cáo tình hình chung hậu quả bão số 8 và biện pháp khắc phục trước mắt. Theo báo cáo của ngành Điện lực, toàn bộ 83 đường điện hạ thế bị tê liệt. Đến 9 giờ sáng ngày 29-10 mới đóng được 4 điểm, còn 79 đường dây khác chưa đóng được. Trước mắt ngành điện lực tập trung khắc phục đảm bảo cho ưu tiên một số lộ: UBND tỉnh, Đài PT-TH, bệnh viện, nhà máy nước, các trạm bơm đầu mối, UBND các huyện, dự kiến sẽ đóng vào khoảng 14h chiều 29-10. Điện hạ thế, cao thế hàng nghìn cột bị đổ, chưa thể đóng điện ngay trong một vài ngày tới, nhưng bằng mọi giá ngành Điện sẽ khắc phục xử lý sớm. Do cột phát sóng bị đổ gãy, để đảm bảo phát sóng, Đài PT-TH tỉnh đề nghị Viễn thông Nam Định kéo cáp quang để phát trên Truyền hình cáp Nam Định; đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam cho phát sóng trên cụm; Cột, hệ thống phát thanh các huyện cũng bị hư hại nặng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương tinh thần phòng chống bão số 8 của các địa phương, các sở, ngành trong việc PCLB. Đồng chí đề nghị các sở, ngành, địa phương cần khắc phục một số nhiệm vụ trước mắt. Trong đó các cấp, ngành cần tập trung rà soát thiệt hại trên tất cả các lĩnh vực. Trên cơ sở đó, giao Sở LĐ-TB và XH hỗ trợ các gia đình chính sách, hộ khó khăn bị thiệt hại về người và tài sản. Sở Tài chính rà soát các nguồn thu, tiết kiệm các khoản chi chưa cần thiết, sớm hỗ trợ các gia đình và cá nhân bị thiệt hại. Các cơ quan, ban, ngành, các địa phương xác định chính xác mức độ thiệt hại để báo cáo cấp trên (bộ, ngành Trung ương) để có phương án hỗ trợ. Về sản xuất nông nghiệp, giao Sở NN và PTNT phối hợp với các huyện, thành phố chỉ đạo nhân dân các xã tận thu lúa mùa; mặt khác ưu tiên điện cho các trạm bơm để cứu cây vụ đông, diện tích lúa mùa có thể cứu được. Căn cứ vào thời vụ, vận động nông dân mở rộng cây vụ đông để bù đắp một phần thiệt hại. Đối với thủy sản cần củng cố bờ vùng, tu sửa hệ thống ao kè, đảm bảo tiếp tục phát triển nuôi trồng thủy sản theo kế hoạch đã giao. Để tập trung phòng chống dịch bệnh, giao Sở Y tế phối hợp với các địa phương, phun khử trùng tiêu độc, chuẩn bị cơ số thuốc cần thiết để kịp thời cứu chữa bệnh nhân, đặc biệt chú ý nguồn nước uống. Sở NN và PTNT khử trùng tiêu độc ở những nơi có thể phát sinh dịch bệnh gia súc gia cầm. Đối với các công trình cơ sở hạ tầng, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Cty Điện lực Nam Định khắc phục hệ thống điện, theo trình độ ưu tiên: Bệnh viện, trường học, nhà máy nước, trạm bơm, các cơ quan của Đảng, chính quyền, ưu tiên cho khu, cụm công nghiệp và làng nghề. Đối với ngành Điện lực, chi nhánh Viettlel có kế hoạch chi tiết cụ thể báo cáo cấp trên hỗ trợ đảm bảo điện và hệ thống thông tin liên lạc thông suốt. Đặc biệt là hệ thống phát thanh truyền hình phải nhanh chóng đi vào phát sóng. Giao Đài PT-TH tỉnh chủ động lập báo cáo kỹ thuật, báo cáo Đài THVN để hỗ trợ đảm bảo phát sóng bình thường từ 7 giờ tối ngày 29-10. Đảm bảo thông tin liên lạc, giao thông thông suốt; đẩy nhanh tiến độ thi công đê kè đảm bảo PCLB. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành chủ động sáng tạo trong việc đưa hoạt động toàn tỉnh về bình thường. Đề nghị với Trung ương, Bộ NN và PTNT hỗ trợ và sớm có quyết định hỗ trợ tỉnh nâng cấp hệ thống đê điều.