Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chỉ đạo họp ứng phó với bão số 1 và mưa lũ sau bão
Theo Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân khi bão số 1 đổ bộ vào đất liền, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh - Ninh Bình dự kiến sơ tán khoảng 29.887 người (Quảng Ninh 700, Hải Phòng 8.691, Thái Bình 19.021; Nam Định 1.128; Ninh Bình 347).
Theo thống kê của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 119.803ha, 3.806 chòi canh, 20.189 lồng/bè. Các địa phương đã thông tin về bão cho người dân để chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn.
Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận cho biết, tại các tỉnh phía Bắc hiện có 487 hồ chứa xung yếu, 20 hồ đang thi công. Hệ thống đê điều khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An có 289 trọng điểm, vị trí xung yếu; 8 công trình đang thi công dở dang và 4 vị trí đê điều đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý triệt để, cần quan tâm triển khai phương án bảo vệ.
Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận báo cáo nhanh công tác chỉ đạo, ứng phó với bão số 1
Theo báo cáo, hệ thống đê điều khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An có tổng chiều dài 6.692km đê (411km đê biển, 463km đê cửa sông, 4.869km đê sông); trong đó: 289 trọng điểm, vị trí xung yếu (đê sông 263; đê biển, đê cửa sông 26); có 08 công trình đang thi công dở dang và 04 vị trí đê điều đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý triệt để cần quan tâm triển khai phương án bảo vệ. Công trình đang thi công dở dang gồm: thi công đê hữu Hồng từ KS Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân; xử lý sự cố lún sụt đê tả Hồng, huyện Mê Linh; cống Bộ Đầu tại K101+030 đê hữu Hồng (Hà Nội); cống Cồn Thoi trên đê Bình Minh II; gia cố 50m đoạn hợp long đê biển Bình Minh IV (Ninh Bình); cống Hà Hải tại K19+620 đê tả Lèn; dự án nâng cấp đê biển Nga Sơn (Thanh Hóa); nâng cấp đê cửa sông tả Thái (Nghệ An). Sự cố đê điều: nứt mái đê phía đồng tại cống Cẩm Hà và sạt lở mái đê phía sông tại K25+850 đê hữu Cầu, TP Hà Nội; lún, nứt đê hữu Thương đoạn K43+100-K43+400, tỉnh Bắc Giang; sự cố lún, sạt mái đê tả Mã đoạn K49+950-K50+950, tỉnh Thanh Hóa (hiện đã xử lý giờ đầu).
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 04h00 ngày 17/7, tâm bão ở 20,0 độ Vĩ Bắc; 113,5 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 340km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15. Dự báo trong 24h tới bão số 1 di chuyển hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h; cường độ cấp 11-12, giật cấp 15. Từ gần sáng ngày 18/7, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 13; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ cấp 6-7, giật cấp 9. Trong 24 đến 36h tới, bão số 1 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km/h và suy yếu dần.
Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia dự báo diễn biến cơn bão số 1
Báo cáo tại cuộc họp, ông Vũ Văn Diện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong 2 ngày qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo, ban hành các văn bản, tổ chức kiểm tra ở các địa phương để chuẩn bị tốt nhất phòng, chống bão số 1. Hiện, Quảng Ninh đã bố trí các lực lượng sẵn sàng ứng trực bão số 1 trên 1.000 người. Ông Diện cho biết thêm, toàn tỉnh có trên 6.000 tàu, 231 tàu đánh bắt xa bờ đã vào khu vực neo đậu an toàn. Với nuôi trồng thủy sản, Quảng Ninh có 14.000 lồng hiện đã kiểm soát, chằng chéo đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ. "Toàn bộ người già, trẻ nhỏ và phụ nữ đã đưa vào vùng an toàn", ông Diện nói.
Đối với hoạt động du lịch, 12h trưa nay (17/7) Quảng Ninh sẽ cấm biển và dừng toàn bộ tàu ra khơi. Hiện Quảng Ninh có khoảng khách trên 4.000 khách du lịch sẽ được đưa về đất liền trước khi bão đổ bộ. Đối với khách ở lại trên các đảo tỉnh sẽ bố trí ăn nghỉ, ổn định tình hình.
Dự báo Hải Phòng nằm trong tâm bão số 1 khi đổ bộ, ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho hay, ngày 16/7, thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương, tổ chức đoàn đi kiểm tra phòng, chống bão số 1. Thành phố cũng kêu gọi tàu thuyền đánh bắt thủy sản, thông tin, liên lạc tới 1.918 phương tiện, với trên 6.000 người để vào bờ tránh trú bão cũng như tìm nơi neo đậu an toàn. Hiện, toàn bộ 1.731 phương tiện về vị trí neo đậu an toàn, ông Thọ thông tin.
Tại đảo Bạch Long Vĩ có 27 phương tiện đang trong âu, 8 tàu hoạt động cách đảo 1-5 hải lý và nằm trong tầm kiểm soát. Đối với đảo Cát Bà có 45 tàu du lịch đang hoạt động trong vịnh kín, 156 lồng bè NTTS đang kiểm soát. "Còn đối với hoạt động du lịch, Hải Phòng hiện đang có 9.600 lượt khách đang lưu trú, TP đang tập trung tuyên truyền, vận động du khách về đất liền trong ngày hôm nay và sáng mai, nếu khách muốn ở lại TP sẽ bố trí ăn, ở an toàn", ông Thọ cho biết. Theo ông Thọ, 12h hôm nay Hải Phòng sẽ không tiếp nhận hoạt động du lịch và đến 21h cùng ngày sẽ cấm biển.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của cơn bão số 1, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: "Dù Ban chỉ đạo và các địa phương đã có kinh nghiệm trong phòng, chống bão nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là". Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời đề nghị Ban chỉ đạo, các địa phương thực hiện tốt Công điện số 646/CĐ-TTg ngày 16/7/2023 chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó với bão. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đề nghị Ban chỉ đạo và các địa phương cần chủ động, linh hoạt; phối hợp tốt và chuẩn bị chu đáo nhất trước, trong và sau khi bão đổ bộ vào đất liền không để thiệt hại về người và giảm thiểu đến mức tối đa thiệt hại về tài sản.
Xem bài viết gốc tại đây