|
Ông Nguyễn Ty Niên |
Vào thời điểm này trước đây, sông Hồng thường có lũ lớn và các nhà máy thủy điện thường phải xả nước đón lũ. Nhưng vài năm trở lại đây, đặc biệt là năm nay, sông Hồng không có lũ, dẫn đến các hồ thủy điện không tích đủ nước. Nguy cơ hạn hán trong mùa khô tới đang đến gần. Ông Nguyễn Ty Niên (ảnh), chuyên gia cao cấp tài nguyên nước cho biết:
- Thiên tai và biến đổi khí hậu có xu hướng ngày càng cực đoan, tài nguyên nước biến động không theo quy luật có xu hướng dẫn đến thảm họa khó lường.
Theo ông, biến đổi khí hậu sẽ gây ra những thách thức to lớn cho quản lý tài nguyên nước ?
- Đúng vậy, đây là thách thức lớn nhất của công tác quản lý tài nguyên nước. Quy luật thủy văn thay đổi, tác động suy thoái của hệ thống rừng đã làm cho nguồn nước thay đổi. Mức độ cạn kiệt không theo quy luật của các dòng sông ngày càng bộc lộ rõ. Năm nay sông Hồng không có lũ lớn dù ở mức báo động 1, mực nước sông Hồng ngày càng cạn kiệt. Biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng đến vùng ven biển với vấn nạn nước biển dâng mà đang tác động trước hết đến đất liền.
Bên cạnh yếu tố biến đổi khí hậu, tài nguyên nước đang chịu những sức ép nào, theo ông?
- Theo tôi, hiện nay sự khai thác cạn kiệt tài nguyên nước đã ở mức báo động. Trên lưu vực sông Hồng lượng nước mùa khô sử dụng đến 83,5% lưu lượng nước đến trong khi đó ngưỡng an toàn là 30%. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải đánh giá những mặt phức tạp khác, như ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, cạn kiệt dòng chảy. Chẳng hạn, hiện nay chưa có nghiên cứu nào đánh giá dòng di chuyển của cá biển ngược lên sông Hồng sinh sản trong mùa sinh sản để thấy những vấn đề đó đang làm thay đổi nguồn nước tại các lưu vực sông.
Tôi cho rằng, chúng ta cần thống nhất một đầu mối quản lý tài nguyên nước. Không thể để phân tán giữa các Bộ, ngành như hiện nay. Quan trọng hơn, cần thống nhất thể chế giữa quản lý và điều hành về tài nguyên nước thực sự có hiệu lực. Có vậy, chống suy thoái tài nguyên nước hoặc quản lý TNN mới đạt hiệu quả như mong muốn.
Vậy theo ông, Luật Tài nguyên nước đang được sửa đổi cần đưa vào nội dung biến đổi khí hậu như thế nào?
- Tôi hy vọng Luật Tài nguyên nước sửa đổi đảm bảo được sự phối hợp giữa quản lý và điều hành ở một thể thống nhất. Cụ thể, nên thống nhất ở một Bộ quản lý tài nguyên nước và biến đổi khí hậu sẽ có hiệu quả hơn. Hiện nay, ba Bộ TN&MT, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cùng quản lý khiến chồng chéo dẫn đến hậu quả phân tán và không có hiệu lực. Như tình hình ở Thủy điện An Khê - Kanak vừa rồi người dân bị thiệt hại là do tách rời giữa quy hoạch điện và quy hoạch nguồn nước. Chúng ta nên nhớ rằng quy hoạch nguồn nước là thể thống nhất thông suốt. Tài nguyên nước là tài nguyên đặc biệt chi phối toàn xã hội và có tác động lan tỏa. Đặc thù này đòi hỏi một bộ máy quản lý phù hợp.
Như ông vừa nói, tài nguyên nước ở Việt Nam đang sử dụng hết sức cạn kiệt. Vậy nó có mối quan hệ thế nào với an ninh lương thực ở Việt Nam ?
- Đây là mối lo hiện nay. Vừa qua, chúng ta lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc xây dựng Thủy điện Xayaburi trên dòng chính sông Mê Kông, cũng là mối lo an ninh lương thực cho đồng bằng sông Cửu Long. Với tình hình nguồn nước cạn kiệt ở sông Hồng như hiện nay thì chúng ta phải đối mặt với nỗi lo thiếu nước trong vụ đông xuân tới. Tài nguyên nước luôn song hành với an ninh lương thực và quyết định của nó vẫn là vấn đề an ninh lương thực.
Theo ông, cần có giải pháp gì đảm bảo tài nguyên nước trên lưu vực sông để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu ?
- Hiện nay có nhiều giải pháp đảm bảo tài nguyên nước lưu vực sông. Đó là giải pháp về thể chế, tổ chức, đặc biệt quản lý hữu hiệu bộ máy quản lý lưu vực sông là vấn đề cấp thiết. Hiện nay đã có bộ máy quản lý lưu vực sông nhưng không hoạt động. Vì thế trong Luật Tài nguyên nước sửa đổi tới đây chúng ta cần có quy định và phân công trách nhiệm cụ thể tạo điều kiện cho bộ máy lưu vực sông phát huy hiệu quả.