Lồng ghép trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội
Thích ứng với biến đổi khí hậu cần được lồng ghép trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả các quy mô. Thích ứng sẽ là một quá trình liên tục trong nhiều thập kỷ với những nhu cầu riêng biệt, nhưng liên quan với nhau ở các giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đầu tư cho các biện pháp thích ứng như: cơ sở hạ tầng ven biển, giao thông, năng lượng, nông nghiệp… có khả năng chống chịu các hiện tượng khí hậu cực đoan sẽ giảm được những chi phí lớn trong tương lai. Thích ứng với biến đổi khí hậu cần được đánh giá trong các kế hoạch mở rộng các thành phố, các khu công nghiệp mới, các dịch vụ môi trường, lựa chọn địa điểm xây dựng các cơ sở hạ tầng như cảng, đường bộ, đường sắt, hệ thống cấp thoát nước. Các Bộ, ngành cũng đã triển khai xây dựng thể chế, chính sách và kế hoạch hành động thích ứng; xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng nhằm đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với từng lĩnh vực, khu vực.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý rủi ro thiên tai (bão, lũ lụt, hạn hán) cũng là một ưu tiên. Quyết định đầu tư cần được sắp xếp ưu tiên theo thời gian, theo địa lý và theo từng ngành; cần có cải tiến việc lập kế hoạch và hỗ trợ quốc tế.
Tăng cường thích ứng ở cấp địa phương
Tại Nam Trung Bộ, với bờ biển dài, diện tích rừng lớn các tỉnh như: Khánh Hòa và Bình Định có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, đây là khu vực dễ tổn thương bởi tác động của biến đổi khí hậu. Các tỉnh Nam Trung Bộ đang đẩy mạnh công tác bảo vệ và trồng rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển; đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển, đê sông. Bên cạnh đó, thích ứng với biến đổi khí hậu cũng được triển khai theo điều kiện đặc thù của mỗi địa phương.
Cụ thể, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh Khánh Hòa xây dựng kế hoạch hành động thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh tập trung ưu tiên một số lĩnh vực như: Hệ thống giao thông và các công trình cầu, cảng, đê, kè ven biển, cửa sông; hạ tầng cơ sở cấp, thoát nước, giao thông khu vực dân cư ven biển, hải đảo; hạ tầng cơ sở sản xuất nông nghiệp, làm muối, nuôi trồng thủy sản...
Bình Định cũng đã xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu, trong đó tập trung rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực, quy hoạch phát triển đô thị, kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Ngoài ra, tỉnh tích cực tham gia nhiều hoạt động nâng cao nhận thức và năng lực về biến đổi khí hậu trong và ngoài nước; tăng cường tìm kiếm các nguồn tài trợ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án, hoạt động về biến đổi khí hậu và nước biển dâng.