Ngủ đêm cũng nằm mơ… vượt lũ
Tự nhận mình không có khiếu ăn nói, nhưng rồi kiến trúc sư trẻ Trịnh Tuấn Hiệp lại khiến người đối diện bị thuyết phục bởi mạch chuyện không thể ngắt nhịp. Hiệp say sưa nói về con đường đi tìm một giải pháp kiến trúc để chống chọi với bão lũ miền Trung.
Hiệp tâm sự, những hình ảnh người dân miền Trung phải gồng mình chống chọi qua mỗi mùa bão lũ luôn khiến anh bị ám ảnh. Cái dáng vẻ lành lành, hiền khô của chàng trai mới ngoài tuổi 20 bỗng trở nên sôi nổi: “Nhìn những đôi bàn tay thò qua mái nhà cầu cứu, những ngôi nhà vẹo xiêu không còn dáng đứng, những khuôn mặt thất thần đầy bất lực…, chắc chắn tình cảm trong mỗi người dân Việt Nam sẽ không chỉ còn dừng ở niềm xót thương nữa”. Thật may, khi chàng trai trẻ còn đang nung nấu ý tưởng thì cuộc thi sáng tác nhà ở nông thôn vùng bão lũ, ngập lụt của Hội Kiến trúc được phát động. Như có thêm động lực, Hiệp cùng nhóm kiến trúc sư trẻ của Công ty Cổ phần xây dựng Vinaconex Xuân Mai bắt tay hiện thực hóa ý tưởng.
Ngày cũng như đêm, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, cả trong những phút giây ngắn ngủi giữa giờ, Hiệp cũng không thôi nghĩ về một căn nhà vượt qua nước lũ. Ròng rã mấy tháng trời, cậu trai trẻ đã “sống” trên mạng để kiếm tìm thông tin. Đặc điểm của lũ miền Trung, mức nước dâng cao thường thấy, những điểm “nóng” khi mùa nước lũ tràn về… tất cả như chiếm trọn tâm trí của anh. “Bạn có tin không, đôi lúc cả trong mơ mình cũng nhìn thấy hình ảnh căn nhà được xây trên nước lũ đấy?”- Hiệp cười hiền khô.
Và rồi của đồ án của Hiệp và nhóm tác giả đạt giải A cuộc thi thiết kế kiến trúc “Nhà ở nông thôn vùng bão lũ, ngập lụt” do Hội Kiến trúc sư Việt Nam phát động năm qua. Đồ án của Hiệp cùng các cộng sự cũng đã được trao giải A cuộc vận động Sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề Học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức năm 2011. Hiệp sinh năm 1985, tốt nghiệp Khoa Kiến trúc Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Quan trọng hơn những giải thưởng được đón nhận, chính là tính khả thi cao của đồ án. Vượt qua hàng chục đồ án kiến trúc được giải, mô hình nhà lõi của những chàng trai trẻ nặng lòng với miền Trung đã chính thức được đưa vào thực nghiệm trong mùa bão lũ vừa qua tại hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Nhìn những ngôi nhà “thương” miền Trung nổi nênh nước lũ được hình thành, Hiệp thổ lộ, có một cái gì đó, chỉ có thể gọi tên là cảm xúc đã thực sự trào dâng. Bởi mỗi ngày trôi qua, chàng kiến trúc sư trẻ đã luôn đau đáu niềm ao ước nhìn thấy ngôi nhà được thiết kế với tất cả tấm lòng “bằng xương, bằng thịt”.
Nhà lõi hay nhà phao?
Giọng nói điềm đạm, trầm trầm, Trịnh Tuấn Hiệp nói về những ngày cả nhóm ăn, ngủ cùng mô hình nhà chống lũ. Mặc dù được tạo điều kiện về thời gian nhưng hình như 24 giờ trong ngày đã trở nên quá ngắn ngủ. “Miệt mài tranh thủ đến từng phút, nên giữa những giờ trưa bỗng có kẻ Ơ- rê- ka khi ý tưởng đến bất ngờ cũng là chuyện bình thường”, Hiệp kể.
Nhóm có ba người nên mỗi ý tưởng, tính toán đưa ra đều là những cuộc bàn thảo, thậm chí tranh luận để đi đến một đáp số có hiệu quả an toàn cao nhất. Nhiều phương án đã được đưa ra, nhưng rồi “chốt” lại chỉ có hai phương án mang tính khả thi nhất: nhà lõi và nhà phao. “Không đơn giản đâu nhé, chỉ riêng chuyện chọn mô hình giải pháp nào cũng đã “ngốn” quá nhiều trong quỹ thời gian hạn hẹp. Lúc nào phía sau lưng cả nhóm cũng như thấy nước lũ đang đến quá gần”- anh chàng tâm sự.
Cuối cùng, phương án được chọn lựa là mô hình nhà lõi. Lấy ý tưởng từ hình tượng neo và cọc để giữ một con thuyền an toàn trên sông nước, cả nhóm đã thiết kế mô hình lõi nhà với bốn cột trụ bê tông vững chắc, được xây dựng thành hai tầng với module sàn 3 mét X 3 mét. Dầm và sàn cũng là những yếu tố “cộng” để giúp phần lõi nhà có thể giúp người dân sống qua mùa lũ với những điều kiện thiết yếu. Chịu trách nhiệm phần thiết kế kiến trúc, Trịnh Tuấn Hiệp cho hay, điều quan trọng nhất của đồ án này chính là tìm giải pháp chống chọi gió bão và nước dâng. Xây dựng một nhà lõi kiên cố, tầng trên là nơi cất giữ tài sản và đảm bảo sinh hoạt với điều kiện thiết yếu cho người dân vì thế chính là giải pháp tối ưu. Những phần xung quanh ngôi nhà sẽ được xây dựng tùy vào hoàn cảnh và điều kiện của mỗi gia đình. “Gió bão và nước dâng có thể tàn phá không gian xung quanh, nhưng phần lõi của ngôi nhà sẽ được đảm bảo kiên cố, giúp người dân có thể vững vàng vượt qua những khắc nghiệt của thiên tai”- chàng trai trẻ tự tin.
Giá trị của những… giấc mơ
Mơ riết rồi cũng thành hiện thực. Một đồ án hoàn thiện đã thực sự thuyết phục những chuyên gia đầu ngành kiến trúc. Giải A được trao tặng, Trịnh Tuấn Hiệp như muốn vỡ òa xúc cảm. Không chỉ vì giải thưởng, chắc chắn rồi. Xúc cảm ấy là vì những ân tình sâu nặng mà qua bản đồ án Hiệp và các kiến trúc sư trẻ muốn gửi đến miền Trung đã nhận được sự đồng cảm của cả giới nghề.
Hai ngôi nhà mẫu đầu tiên do Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp cùng Công ty Cổ phần Vinaconex Xuân Mai thực hiện đã nhanh chóng được thi công ngay trước mùa bão lũ 2011. Hai gia đình được trao tặng những ngôi nhà vượt lũ trĩu nặng ân tình ấy là gia đình ông Đặng Quế, thôn 6, xã Nghĩa Dũng, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi và gia đình ông Huỳnh Rã, thôn Triêm Tây, xã Điện Bàn, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
“Nhìn những ngôi nhà mà trước đó vẫn thường “gặp” trong mơ được hiện hữu ngoài đời thực, được những người dân của miền Trung thương khó tìm đến nắm chặt đôi tay, ánh mắt biết ơn mà như chẳng thể nói thành lời, chúng tôi đã thực sự trải qua những phút giây hạnh phúc”- Trịnh Tuấn Hiệp chia sẻ.
Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN cho biết, sau hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hội Kiến trúc sư VN đã có kế hoạch phối hợp với các địa phương tiếp tục xây dựng mô hình thử nghiệm nhà vượt lũ tại một số địa bàn trước khi chính thức nhân rộng. Gần nhất sẽ triển khai xây dựng tại hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
Nhà vượt lũ được dựng xây từ tình cảm cố kết cộng đồng đã thực sự mang đến niềm tin và tiếp thêm nghị lực cho dải đất miền Trung gió Lào cát trắng. Nhưng vẫn còn đó nỗi niềm trăn trở của chàng kiến trúc sư trẻ giàu tâm huyết: “Hiệu quả của đồ án vẫn cần sự trải nghiệm của thời gian. Chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe những “tiếng nói” từ miền Trung để hoàn thiện hơn đồ án này. Làm thế nào để bổ sung tính năng chống chọi với lũ quét, làm sao để đảm bảo giảm thiểu nhất chi phí cho mỗi ngôi nhà…”, dường như, những trở trăn ấy của chàng kiến trúc sư trẻ càng khiến cho câu chuyện như muốn kéo dài không dứt.