|
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tiếp Giáo sư, Tiến sĩ Kyoji Sassa, Giám đốc điều hành Tổ chức nghiên cứu trượt lở đất quốc tế (ICL) |
Tại buổi tiếp, Giáo sư, Tiến sĩ Kyoji Sassa, Đại học Kyoto, Giám đốc điều hành Tổ chức nghiên cứu trượt lở đất quốc tế (ICL) cho biết: Năm 2002, Tổ chức Nghiên cứu trượt lở đất quốc tế (ICL) đã được đăng ký như một tổ chức phi lợi nhuận theo luật pháp Nhật Bản tại thành phố Kyoto, Nhật Bản. Tổ chức được hỗ trợ bởi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO), Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), Chiến lược quốc tế của Liên hợp quốc về giảm rủi ro thiên tai (UN/ISDR), và chương trình liên chính phủ như Chương trình Thủy văn Quốc tế của UNESCO, Liên minh quốc tế về khoa học địa chất (IUGS), Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT) của Chính phủ Nhật Bản, Hội Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ và khác cơ quan chính phủ khác. Mục tiêu của Tổ chức ICL là nhằm thúc đẩy nghiên cứu trượt lở đất vì lợi ích của xã hội và môi trường, xây dựng năng lực, bao gồm giáo dục, đặc biệt là ở các nước đang phát triển; tích hợp khoa học địa chất và công nghệ trong bối cảnh văn hóa và xã hội thích hợp nhằm mục đích đánh giá nguy cơ trượt lở đất ở các khu vực thành thị, nông thôn và đang phát triển bao gồm các di tích văn hóa và di sản thiên nhiên, cũng như góp phần vào việc bảo vệ môi trường tự nhiên và các địa điểm giá trị xã hội cao; kết hợp và điều phối ở cấp quốc tế trong các nghiên cứu giảm nhẹ và đánh giá rủi ro trượt lở đất, dẫn đến hình thành một tổ chức quốc tế có hiệu quả hoạt động như là một đối tác trong các dự án quốc gia và quốc tế khác nhau và thúc đẩy một chương trình đa ngành toàn cầu về trượt lở đất.
Giáo sư, Tiến sĩ Kyoji Sassa cũng cho biết, trong lĩnh vực trượt lở đất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã có hợp tác với các đối tác Nhật Bản từ năm 2004. Thông qua dự án trượt lở đất trong khuôn khổ Chương trình đối tác nghiên cứu công nghệ cho phát triển bền vững do Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Đại học quốc gia Hà Nội, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản có tham gia một số chương trình hợp tác.
Năm 2015, phía Nhật Bản có đề xuất đề cương hợp tác trong lĩnh vực trượt lở đất theo hướng quy hoạch sử dụng đất và xây dựng hệ thống cảnh báo sớm trượt lở nhằm giảm thiểu thiệt hại. Hệ thống cảnh báo sớm là hợp phần đã được xây dựng trong Đề án Trượt lở do Viện đang triển khai, tuy nhiên Việt Nam rất cần kinh nghiệm, công nghệ của phía Nhật Bản. Thay đổi quy hoạch sử dụng đất là hướng mới, chưa được đề cập trong các giai đoạn điều tra hiện trạng, phân vùng cảnh báo của Đề án Trượt lở.
Chính vì vậy, nhân chuyến làm việc này của Đoàn, Giáo sư, Tiến sĩ Kyoji Sassa cũng hy vọng sẽ cùng với đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng tiến hành tổ chức cuộc họp nhằm trao đổi đề xuất hợp tác liên quan đến việc giảm nhẹ thiên tai trượt lở đất ở các khu vực đô thị hóa của các nước Châu Á chịu ảnh hưởng gió mùa thông qua cảnh báo sớm và thay đổi sử dụng đất. Thông qua hướng hợp tác này sẽ góp phần đóng góp cho thành công của Đề án Trượt lở, nâng cao hơn nữa năng lực nghiên cứu triển khai trong lĩnh vực trượt lở của Viện.
Phát biểu tại buổi tiếp, Thứ trưởng Trần Hồng Hà hoan nghênh và đánh giá cao chuyến thăm và làm việc của Giáo sư Kyoji Sassa, Giám đốc điều hành, Trưởng đoàn Đoàn công tác của Tổ chức nghiên cứu trượt lở đất quốc tế với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: Việt Nam nói chung và Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng luôn hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc nghiên cứu liên quan đến giảm nhẹ thiên tai trượt lở đất trong bối cảnh Biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng cũng đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục ủng hộ các tổ chức thành viên ICL của Việt Nam tham gia sâu rộng vào các hợp tác nghiên cứu trượt lở đất trong khu vực, chia sẻ kinh nghiệm phòng tránh giảm thiểu thiệt hại do tai biến trượt lở đất, có xu hướng ngày càng tăng về tần xuất và cường độ trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chỉ đạo các đơn vị có liên quan của Bộ phối hợp chặt chẽ với phía Nhật Bản để cùng trao đổi, xây dựng đề xuất dự án “Nhận thức và giảm nhẹ thiên tai trượt lở đất ở các khu vực đô thị hóa của các nước Châu Á chịu ảnh hưởng gió mùa thông qua cảnh báo sớm và thay đổi sử dụng đất” để trình lên các cấp có thẩm quyền của hai nước xem xét và phê chuẩn.