Thời gian qua, trên vùng biển nước ta số vụ tai nạn, sự cố liên quan đến tàu, thuyền có xu hướng gia tăng, một số vụ gây hậu quả nghiêm trọng. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã phỏng vấn Thiếu tướng Phạm Hoài Giang, Cục trưởng Cục Cứu hộ - cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu), Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn (TKCN) về nguyên nhân và các giải pháp nâng cao hiệu quả TKCN trên biển, nhất là đối với tàu, thuyền hoạt động xa bờ trong mùa mưa bão.
|
Tàu của Bộ đội Hải quân cứu kéo tàu của ngư dân bị nạn vào cảng Sông Hàn (Đà Nẵng) tránh bão. Ảnh: Quang Thiện |
PV: Đề nghị Cục trưởng đánh giá tình hình tai nạn, sự cố đối với tàu, thuyền trên biển thời gian qua và nguyên nhân xảy ra?
Thiếu tướng Phạm Hoài Giang: Từ đầu năm đến nay, trên vùng biển nước ta xảy ra hơn 310 vụ tai nạn, sự cố tàu, thuyền, với gần 1.900 người, gần 280 phương tiện, làm chết 92 người, mất tích 93 người, chìm 148 phương tiện, hư hỏng hơn 90 phương tiện. Các lực lượng Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển và lực lượng chuyên trách đã tổ chức cứu được 1.589 người và 124 phương tiện.
Nguyên nhân tai nạn chủ yếu do thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan, khó lường. Cuối tháng 3-2012 vẫn có gió mùa Đông Bắc mạnh cấp 7, cấp 8; áp thấp nhiệt đới xuất hiện ở Biển Đông từ tháng 2 và bão số 1 đổ bộ thẳng vào địa bàn phía Nam - hiện tượng hiếm thấy trong 40 năm qua. Gió mùa Đông Bắc mạnh, giông, lốc bất ngờ làm cho nhiều tàu, thuyền, nhất là phương tiện khai thác thủy, hải sản xa bờ ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… không kịp trú tránh. Bên cạnh đó, chất lượng một số tàu, thuyền của ngư dân không bảo đảm, công suất nhỏ, dễ bị hỏng máy, vỡ vỏ... khi gặp thời tiết xấu. Một số nguyên nhân khác như tàu, thuyền bị đâm, va (vụ tàu Trường Hải Star trọng tải 4000 tấn bị đâm chìm ngày 10-4, gây thiệt hại nghiêm trọng); do thuyền viên bị tai nạn, đau ốm khi đang làm ăn trên biển và cả những hạn chế về ý thức phòng tránh của ngư dân…
PV: Công tác chỉ đạo, chỉ huy, điều hành và thực hành TKCN được triển khai thực hiện như thế nào? Những tồn tại, bất cập nào từ phía chủ tàu, thuyền, ngư dân… cần khắc phục để hạn chế thiệt hại, nâng cao hiệu quả TKCN?
Thiếu tướng Phạm Hoài Giang: Công tác chỉ đạo, chỉ huy, điều hành và thực hành TKCN được Chính phủ, Ủy ban quốc gia TKCN và Bộ Quốc phòng quan tâm chỉ đạo sâu sát. Cục Cứu hộ - cứu nạn và Văn phòng Ủy ban quốc gia TKCN làm tốt chức năng tham mưu thực hiện nhiệm vụ TKCN, phòng chống và khắc phục sự cố, thảm họa môi trường, phòng chống cháy nổ…; giúp Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu quản lý, chỉ đạo về chuyên môn các lực lượng chuyên trách và kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ hiệu quả; xử lý thông tin báo nạn nhanh chóng, kịp thời. Các vụ tai nạn, sự cố cần triển khai TKCN, Cục Cứu hộ - cứu nạn báo cáo kịp thời Bộ Tổng tham mưu điều động phương tiện, lực lượng đang hoạt động trong khu vực có tàu, thuyền bị nạn nhanh chóng đi TKCN; điều động các lực lượng chuyên trách phối hợp TKCN. Lực lượng quân đội, nhất là Bộ đội Hải quân tham gia TKCN ở vùng biển xa đạt kết quả cao…
Hiệu quả công tác TKCN còn phụ thuộc vào phương tiện và chủ phương tiện bị nạn, trong đó thông tin liên lạc tốt là hết sức quan trọng, bảo đảm TKCN hiệu quả nhất, giảm nhiều chi phí, công sức của lực lượng TKCN. Để khắc phục những bất cập về thông tin liên lạc và ý thức phòng tránh của chủ phương tiện, Bộ đội Hải quân, Biên phòng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng cho ngư dân những kiến thức cần thiết về TKCN; xây dựng và nhân rộng mô hình khai thác và tiêu thụ hải sản trên biển theo phương thức “tàu mẹ - tàu con” và tổ, đội tàu, thuyền đoàn kết tự quản, kịp thời hỗ trợ nhau khi có sự cố, tai nạn xảy ra.
Giảm tai nạn trên biển, giúp ngư dân yên tâm bám biển làm ăn…, trước hết thuộc trách nhiệm của các địa phương quản lý ngư dân, nhất là việc giữ thông tin liên lạc thường xuyên giữa tàu, thuyền với đất liền. Ủy ban quốc gia TKCN, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo BĐBP các tỉnh phối hợp với ngành Thủy sản tăng cường kiểm tra các phương tiện ra khơi, quản lý chặt chẽ công tác đăng ký, đăng kiểm tàu, thuyền… Đối với ngư dân, cần khắc phục tình trạng báo tin cứu hộ, cứu nạn không chuẩn xác, không giữ thông tin liên lạc thường xuyên, hoặc đã tự khắc phục được sự cố, hư hỏng của tàu, thuyền, di chuyển khỏi vị trí bị nạn, nhưng không thông báo lại, gây nhiều khó khăn, tốn kém cho lực lượng đi TKCN.
|
Bộ đội Vùng 3 Hải quân huấn luyện TKCN trên biển. Ảnh Trịnh Dũng |
PV: Quy chế phối hợp TKCN trên biển được ban hành, bước đầu phát huy hiệu quả, nhưng cũng phát sinh những khó khăn bất cập cần khắc phục và phải tiếp tục hoàn thiện, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Phạm Hoài Giang: Tháng 7-2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế, kèm theo Quyết định số 103/QĐ-TTg về phối hợp trong hoạt động TKCN trên biển, mang lại kết quả tích cực. Trước hết, việc triển khai, tuyên truyền và tổ chức thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương có nhiều tiến bộ, thể hiện trong phối hợp về thông tin và tổ chức phối hợp TKCN trên biển, nhất là xác định trách nhiệm phối hợp hoạt động TKCN trên biển của các tổ chức, cá nhân; trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố ven biển, của các bộ, ngành...
Từ khi có quy chế, việc phối hợp tổ chức TKCN trên biển được thực hiện tốt hơn; cơ bản xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan như: Thuyền trưởng của các phương tiện đang hoạt động trong khu vực có phương tiện bị nạn; thuyền trưởng tham gia TKCN; công tác chỉ huy hiện trường; cơ quan chỉ huy; trách nhiệm của chủ phương tiện... Các địa phương chủ động hơn trong huy động trang bị, lực lượng tham gia TKCN…
Tuy nhiên, việc thực hiện quy chế còn bộc lộ một số hạn chế, như chưa hiểu và nắm chắc về phân vùng trách nhiệm, chủ trì trách nhiệm TKCN của các cơ quan liên quan trên địa bàn, của UBND các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương... Nhiều vụ việc khi xảy ra, khi nhận được thông tin TKCN, một số địa phương không kịp thời điều động lực lượng, phương tiện ứng cứu, mà có tư tưởng ỷ lại, thường báo ngay cho Ủy ban quốc gia TKCN, như vậy là không đúng với tinh thần của quy chế (trước hết địa phương phải chủ trì TKCN). Để khắc phục hạn chế trên, Cục Cứu hộ - cứu nạn và Văn phòng Ủy ban quốc gia TKCN đang triển khai đánh giá việc thực hiện quy chế, đề xuất điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp…
PV: Phương châm “4 tại chỗ” thời gian qua được quán triệt, thực hiện thế nào để nâng cao hiệu quả TKCN, nhất là đối với tàu, thuyền hoạt động xa bờ, trong mùa mưa bão?
Thiếu tướng Phạm Hoài Giang: Thực hiện “4 tại chỗ” trong TKCN, nhất là ở vùng biển xa là chủ trương đúng, mang lại hiệu quả thiết thực. Tại khu vực quần đảo Trường Sa, chúng ta đã thiết lập 5 trạm TKCN trên các đả Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa. Các trạm được đầu tư trang thiết bị ứng cứu, sửa chữa tàu, thuyền, cung cấp nhiên liệu, nước ngọt... Các tàu của lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển đang đi làm nhiệm vụ; tàu của các doanh nghiệp đánh bắt hải sản trên biển… sẵn sàng đi TKCN tại vùng biển gần nhất, nơi có tàu, thuyền của ngư dân gặp nạn.
Nhiều địa phương phối hợp với ngành Thủy sản, BĐBP xây dựng và tổ chức hoạt động hiệu quả của các tổ, đội tàu, thuyền đoàn kết tự quản (gọi tắt là tổ đoàn kết (TĐK), nhằm phát huy sự tương trợ, giúp đỡ nhau khi khai thác, tiêu thụ sản phẩm, cũng như gặp thời tiết xấu, tình huống cần cứu hộ, cứu nạn... Nhiều sự cố, tai nạn trên biển do ngư dân giúp nhau tự khắc phục, bảo đảm nhanh chóng, an toàn, ít tốn kém nhất. Nhờ quy chế hoạt động của TĐK, quy ước mật danh thông tin và cách báo tọa độ tàu cá giữa tổ trưởng TĐK với đồn biên phòng, hiệp đồng bảo đảm thông tin liên lạc giữa đồn biên phòng với thuyền trưởng tàu cá, giúp BĐBP nắm chắc địa bàn hoạt động của tàu, thuyền và các thông tin liên quan và vẫn giữ được bí mật ngư trường của ngư dân.
PV: Theo đồng chí, cần nhân rộng, phát huy hiệu quả mô hình TĐK trong TKCN trên biển theo hướng nào?
Thiếu tướng Phạm Hoài Giang: Mô hình TĐK được thành lập ở nhiều địa phương ven biển, phát huy tác dụng tốt, khi có tai nạn, sự cố đối với phương tiện cùng tổ đánh bắt, các tàu, thuyền nhanh chóng giúp nhau khắc phục, chỉ khi không tự khắc phục được mới đề nghị địa phương, cơ quan chức năng ứng cứu, góp phần giảm thiệt hại, giảm rất nhiều chi phí, công sức, nhất là khi phải điều động phương tiện công suất lớn từ xa đến ứng cứu, trong điều kiện thời tiết phức tạp.
Chính quyền các địa phương ven biển, ngành chức năng cần tiếp tục củng cố, thành lập thêm các TĐK hoạt động theo tiêu chí “4 cùng” (cùng nghề, cùng ngư trường, cùng địa bàn cư trú, cùng dòng họ, bà con thân thích). Cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho TĐK về vốn vay, nâng cấp, cải hoán tàu, thuyền, trang bị máy thông tin liên lạc, thiết bị cứu sinh; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức sử dụng các trang thiết bị an toàn, máy thông tin trên tàu..., tiến tới xây dựng chế tài xử lý đối với việc bắt buộc thực hiện chế độ thông tin báo cáo giữa ngư dân hoạt động trên biển với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng trên bờ... Cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao trách nhiệm, ý thức cộng đồng, tinh thần tương thân tương ái… của ngư dân trong phòng, chống thiên tai, TKCN, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên biển, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!