Năm 2011, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới vẫn chưa được khắc phục triệt để thì các vấn đề xung quanh “sức khỏe” của trái đất cũng như mối quan hệ của con người với môi trường sống luôn thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xin điểm lại 10 sự kiện môi trường thế giới nổi bật trong năm 2011.
1. Thảm họa kép tại Nhật Bản gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
|
Nhật Bản phải gánh chịu thảm họa tự nhiên nghiêm trọng nhất trong năm 2011 (Ảnh: AFP) |
Không thể phủ nhận sự kiện gây chấn động nhất trên địa cầu trong năm 2011 chính là thảm họa động đất – sóng thần – hạt nhân ở đất nước Nhật Bản. Người dân thế giới có lẽ giờ đây vẫn chưa thể quên những hình ảnh kinh hoàng về trận động đất khủng khiếp mạnh tới 9 độ richter kèm theo những con sóng thần hung dữ cao tới 10m tấn công vào miền Đông - Bắc Nhật Bản ngày 11/3. Theo số liệu thống kê chính thức, thảm họa kép động đất-sóng thần ở Nhật Bản đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 16.000 người, làm 5.933 người bị thương và 4.056 người mất tích.
Nghiêm trọng hơn, trận động đất-sóng thần ngày 11/3 còn kéo theo một thảm họa hạt nhân kinh hoàng khác. Chưa hết bàng hoàng sau động đất, sóng thần, người dân Nhật Bản lại phải gồng mình lên tiếp tục chống lại cuộc khủng hoảng hạt nhân từ việc rò rỉ phóng xạ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Lõi lò phản ứng hạt nhân bị phá hỏng nghiêm trọng dẫn tới việc phát tán một số lượng lớn phóng xạ ra bên ngoài, dẫn tới hậu quả là người dân sẽ bị phơi nhiễm một lượng phóng xạ đủ lớn để gây hại cho sức khỏe hoặc có thể bị tử vong. Ngoài ra, các chất bẩn phóng xạ từ các vụ nổ hạt nhân lan ra các khu vực lân cận, dẫn tới thảm họa môi trường toàn cầu, ảnh hưởng tới đời sống, các chuyến bay thương mại, quần thể động thực vật.
Theo số liệu thống kê công bố ngày 13/10 của Ủy ban an toàn hạt nhân Nhật Bản, thiệt hại do thảm họa hạt nhân ở nhà máy điện Fukushima là 74 tỷ USD.
2. Hạn hán khốc liệt – thủ phạm gây nên nghèo đói tại nhiều quốc gia
Hạn hán đã đẩy hàng triệu người dân châu Phi rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng (Ảnh: AFP)
Đợt hán hán nghiêm trọng nhất trong vòng 60 năm qua tại vùng Sừng châu Phi đã khiến châu lục vốn được xem là nghèo đói nhất thế giới này lại càng trở nên khó khăn hơn. Lượng mưa giảm mạnh trong 2 năm qua đã khiến mùa màng thất bát và vật nuôi bị chết, làm người dân bị thiếu lương thực trầm trọng. Liên hợp quốc cho hay, có tới gần 12 triệu người ở vùng Sừng châu Phi đã bị ảnh hưởng bởi đợt hạn hán này. Những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Ethiopia, Somalia, Gibuti và Kenya. Tình trạng khắc nghiệt của tự nhiên đã đẩy người dân của lục địa đen vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng, buộc Liên hợp quốc phải tuyên bố nạn đói tại các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất như Somalia.
Tại Trung Quốc, các đợt hạn hán chưa từng thấy trong vòng 50 năm qua đã xảy ra liên tiếp tại miền Trung và miền Đông nước này, làm cạn khô nhiều sông hồ. Lượng nước mưa mà Trung Quốc nhận được trong năm 2011 chỉ ở mức thấp nhất kể từ năm 1961. Tình trạng này khiến mực nước sông Dương Tử, dòng sông lớn nhất Trung Quốc, xuống tới mức thấp kỷ lục. Hạn hán lan rộng tại các tỉnh: Hồ Bắc, Hồ Nam, An Huy, Giang Tây và Chiết Giang… gây thiệt hại hàng triệu hecta đất nông nghiệp, thiếu nước nghiêm trọng cho hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Ngoài ra, năm 2011, nước Pháp cũng đã trải qua một tháng 4 với nhiệt độ trung bình cao hơn tới 4,0°C so với mức trung bình được tính toán trong giai đoạn 1971 – 2000. Một nửa diện tích miền Bắc nước Pháp "đã phải gánh chịu mức hạn hán chưa từng có trong vòng 50 năm vừa qua". Năng suất nông nghiệp cũng vì thế mà sụt giảm ít nhất 50%.
5 bang miền Bắc Mexico cũng phải gánh chịu nạn hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 70 năm qua, làm chết 1,7 triệu động vật, gần 900.000 hecta đất trồng bị bỏ hoang trong năm qua.
3. Lũ lụt tàn phá tại nhiều quốc gia
Trận lũ lụt lịch sử đã khiến nhiều vùng đất của Thái Lan chìm trong biển nước (Ảnh: AFP)
Tại Thái Lan, trận lũ lụt bắt đầu từ cuối tháng 7/2011 được đánh giá là "trận lũ lụt tồi tệ nhất về lượng nước lũ và số người bị ảnh hưởng". Theo đánh giá sơ bộ của Ngân hàng Thế giới, thiệt hại từ trận lũ lụt dữ dội nhất trong nửa thế kỷ qua ở Thái Lan có thể tới 1.360 tỷ baht (khoảng 43,3 tỷ USD); những thiệt hại từ các tòa nhà, công xưởng và các công trình khác bị phá hủy ước tính ở mức 600 tỷ baht (khoảng 20 tỷ USD), còn mất mát do sự đình chỉ sản xuất các hàng hoá khác nhau là 700 tỷ baht (khoảng 22,3 tỷ USD). Ngoài kinh tế, lũ lụt đã làm hơn 700 người chết và mất tích. Hàng triệu người dân phải đi sơ tán, hơn 60 trong tổng số 77 tỉnh, thành của Thái Lan bị ngập lụt, trong đó có thủ đô Bangkok, cố đô Aytthaya.
Tại Philippines, lũ lụt do cơn bão Washi gây ra đã tràn qua khắp miền Nam nước này trong những ngày cuối tháng 12 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cả về con người và vật chất. Tổng thống Philippines Benigno Aquino, ngày 20/12, tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia, trong khi giới hữu trách tiếp tục nỗ lực tìm kiếm thi thể của những người thiệt mạng trong các trận lũ quét trên hòn đảo Mindanao ở miền Nam. Tính tới ngày 20/12, 957 người đã thiệt mạng vì các trận lũ lụt tồi tệ này, trong khi 49 người khác vẫn còn mất tích, gần 50.000 người mất nhà cửa vẫn phải trú tạm trong các lán trại công cộng.
Tháng 5/2011, miền Trung nước Mỹ cũng đã phải trải qua một đợt lũ lụt tồi tệ nhất trong hơn 80 năm qua. Đây là đợt lũ lụt nghiêm trọng nhất tại thung lũng Mississippi kể từ năm 1937 đến nay. Lưu lượng nước trên sông Mississippi tăng gấp 6 lần so mức bình thường. Giới chức địa phương buộc phải yêu cầu người dân sống lân cận sơ tán. Trận lũ lụt nghiêm trọng nhất kể những năm 20 của thế kỷ trước này cũng đã làm ngập 3 triệu acre (mẫu Anh) đất nông nghiệp của Mỹ. Nước lũ có nguy cơ làm chậm, thậm chí là hủy bỏ kế hoạch trồng 1,2 triệu hecta lúa ở bang Arkansas, nơi chiếm 10% tổng diện tích đất trồng lúa của nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới.
4. Núi lửa thức giấc và những hệ lụy tới môi trường và ngành hàng không thế giới
Những cột khói bụi khổng lồ bốc lên từ cụm núi lửa của Chile sau đợt phun trào
làm rối loạn ngành hàng không thế giới (Ảnh: AFP)
Sau hơn 5 thập kỷ ngủ yên, ngày 4/6, cụm núi lửa Puyehue-Cordon-Caulle tại Chile đã bất ngờ phun trào trở lại, khiến gần 4.000 người ở khu vực Lot Rio cách thủ đô Santiago 950km về phía Nam và khu vực xung quanh núi lửa phải đi sơ tán. Hơn 10 trận động đất nhỏ đã được ghi nhận trong khu vực trước khi đợt phun trào của cụm núi lửa này bắt đầu. Giới chức Chile đã đưa ra cảnh báo đỏ - mức độ cảnh báo cao nhất - đối với khu vực.
Tương tự tại Indonesia, trong năm 2011, quốc gia này đã phải gánh chịu các hậu quả không kém nặng nề từ hiện tượng núi lửa phun trào. Quần đảo Indonesia với hàng trăm các ngọn núi lửa nằm giữa đường đứt gãy kiến tạo được gọi là “Vành đai lửa” giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương nên thường xuyên xảy ra các trận động đất và núi lửa. Liên tiếp trong năm 2011, Indonesia đã phải gánh chịu ngọn núi lửa Lokon, Gamalama, … , hoạt động mạnh trở lại, phun trào những cột nham thạch, đất đá và tro bụi cao hàng nghìn mét vào không khí, đi kèm với nó là các trận động đất gây thiệt hại cả người và của. Chính phủ Indonesia đã buộc phải ban bố mức cảnh báo nguy hiểm lên mức báo động đỏ cao nhất để cảnh báo người dân trước những tác động khốc liệt của thiên tai.
5. Lỗ thủng ozone tại hai cực của trái đất đã tới mức báo động
Tầng ozone tại Bắc Cực đang suy giảm với tốc độ kỷ lục (Ảnh: Markus Rex)
Theo một nghiên cứu công bố ngày 2/10 trên tạp chí khoa học "Nature" của Anh, lỗ hổng tầng ozone, lá chắn bảo vệ sự sống trên trái đất khỏi tác động nguy hại của tia cực tím trong ánh sáng mặt trời, tại Bắc Cực lần đầu tiên đã mở rộng tới mức kỷ lục, với diện tích gấp 5 lần bang California (Mỹ). Được hình thành do giá lạnh ở Bắc Cực, lỗ hổng lớn chưa từng thấy này đã di chuyển sang khu vực Đông Âu, Nga và Mông Cổ, khiến cho nhiều người phải chịu ảnh hưởng của các tia cực tím ở mức cao. Những quan sát từ vệ tinh được thực hiện trong mùa đông - xuân 2010 - 2011 đã cho thấy, tầng ozone bị phá hủy ở độ cao từ 15 - 23 km. Lỗ hổng lớn nhất, chiếm tới hơn 80% diện tích tầng ozone Bắc Cực, ở độ cao từ 18 - 20 km.
Trước đó, ngày 23/8, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết các dấu hiệu về lỗ thủng tầng ozone cũng đã xuất hiện trở lại ở Nam Cực. Với nhiệt độ hiện tại và các đám mây trên tầng bình lưu khí quyển ở Nam Cực, WMO dự báo mức độ mất ozone ở Nam Cực năm nay rất có thể tương đương với mức trung bình trong thập kỷ vừa qua. Mặc dù nhân loại đã đạt được tiến bộ rất lớn trong việc giảm mạnh sản xuất và tiêu thụ các hóa chất gây hại tầng ozone, nhưng do thời gian tồn tại của các hóa chất này trong khí quyển kéo dài vài thập kỷ, nên phải mất nhiều thập kỷ nữa, mức độ tập trung của các hóa chất này trong khí quyển ở Nam Cực mới trở lại mức trước năm 1980.
6. Khởi động Cơ chế công nghệ của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu
Cơ chế công nghệ của UNFCCC huy động sự hợp tác sâu rộng của tất cả các nước thành viên (Ảnh: IT)
Ngày 3/9, tại Bonn (Đức), Liên hợp quốc đã khởi động Cơ chế công nghệ của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Đây là một tiến triển rất tốt nhằm tạo điều kiện sử dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ tiến trình làm dịu và thích nghi với biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Mục tiêu của Cơ chế công nghệ chỉ có thể đạt được thông qua sự phối hợp và hợp tác sâu rộng hơn giữa tất cả các nước với sự tham gia tích cực của các đối tác bao gồm cộng đồng nghiên cứu, giới học giả và khu vực kinh tế tư nhân.
TEC đã thúc đẩy tiến trình chia sẻ thông tin về các công nghệ mới và đổi mới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động khoa học - công nghệ, cũng như các biện pháp khuyến khích các đối tác khoa học - công nghệ tham gia thúc đẩy các động lực của Cơ chế công nghệ ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. TEC cũng tìm kiếm các cách thức để TEC có thể cung cấp các công nghệ cần thiết cũng như đánh giá chính sách và các công nghệ liên quan đến phát triển, chuyển giao công nghệ; đồng thời xác định các lựa chọn cho sự tham gia của các đối tác công nghệ, các tổ chức phi chính phủ tham gia Cơ chế công nghệ và quá trình chống biến đổi khí hậu.
7. Năm 2011- một trong mười năm nóng nhất
Năm 2011, nhiệt độ không khí trên bề mặt trái đất ở hầu hết các khu vực đều cao hơn mức trung bình (Ảnh: IT)
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) thông báo, năm 2011 là một trong mười năm nóng kỷ lục kể từ năm 1850. Theo thông báo của WMO, nhiệt độ không khí trên bề mặt trái đất ở hầu hết các khu vực trên thế giới đều cao hơn mức trung bình dài hạn, đặc biệt ở miền Bắc nước Nga, từ tháng 1 đến tháng 10, cao hơn mức trung bình dài hạn tới 4 độ C. Lượng băng ở Nam Cực năm 2011 cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Thực tế, trái đất đang nóng lên nhanh chóng do hoạt động của con người. Nồng độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong khí quyển đạt mức kỷ lục. Nhiệt độ trái đất đang tiếp cận nhanh với mức tăng 2-2,4°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các nhà khoa học cảnh báo, mức tăng này có thể gây những thay đổi sâu rộng trong trái đất, sinh quyền và đại dương.
Khí hậu toàn cầu năm 2011 bị tác động nặng nề của hiện tượng La Nina mạnh kéo dài từ 6 tháng cuối năm 2010 đến hết 6 tháng đầu năm 2011. Đây là một trong những đợt La Nina mạnh nhất trong vòng 60 năm qua, song hành với nạn hạn hán nghiêm trọng ở Đông Phi, miền nam nước Mỹ và các đảo ở vùng xích đạo trung tâm Thái Bình Dương, lũ lụt lớn ở Đông Australia, Nam Á và miền Nam châu Phi.
8. Khủng hoảng sinh thái đe dọa tiểu vùng Mekong
|
Hệ sinh thái tại tiểu vùng sông Mekong đang chịu áp lực lớn từ con người (Ảnh: britannica.com) |
Quỹ Bảo vệ thiên nhiên Quốc tế (WWF), ngày 11/12, công bố báo cáo cho biết, những loài sinh vật mới liên tục lộ diện tại tiểu vùng Mekong mở rộng (bao gồm: Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Việt Nam, Lào và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc). Tính trung bình, cứ gần hai ngày, các nhà khoa học phát hiện một loài mới tại đây. Trong số các loài mới được tìm thấy, có 145 loài thực vật, 28 loài bò sát, 25 loài cá, 7 loài lưỡng cư, hai loài thú và một loài chim. Theo báo cáo, tiểu vùng sông Mekong mở rộng là "một trong những khu vực cuối cùng trên hành tinh mà con người còn có thể tìm thấy các loài mới".
Tuy nhiên, WWF cũng khẳng định, hệ sinh thái của vùng đang chịu áp lực ngày càng lớn từ con người. Khu vực này vẫn có nguy cơ đối mặt với "khủng hoảng tuyệt chủng" dù giới khoa học liên tục phát hiện loài mới. Nhiều loài có thể biến mất trước khi các nhà khoa học biết tới sự tồn tại của chúng. WWF cho rằng, việc tê giác một sừng tuyệt chủng tại Việt Nam, sự biến mất của 70% cá thể hổ trong vòng một thập kỷ là những diễn biến cho thấy sự mong manh của đa dạng sinh học trong tiểu vùng Mekong mở rộng.
Theo WWF, sự phát triển nhanh và không bền vững, những tác động của biến đổi khí hậu đang tác động sâu sắc tới đa dạng sinh học và các chức năng sinh thái của tiểu vùng Mekong mở rộng. Hậu quả là sinh kế của vài triệu người sống nhờ hệ sinh thái đó cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực.
9. Canada rút khỏi Nghị định thư Kyoto
|
Canada là nước đầu tiên trên thế giới tuyên bố chính thức rút khỏi Nghị định thư Kyoto (Ảnh: IT) |
Ngày 12/12, Bộ trưởng Môi trường Canada Peter Kent tuyên bố, nước này sẽ sử dụng quyền hợp pháp để chính thức rút khỏi Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu. Với tuyên bố trên, Canada sẽ trở thành quốc gia đầu tiên chính thức rút khỏi Nghị định thư Kyoto mà nước này cho là có khiếm khuyết lớn, bởi Nghị định này không bao gồm tất cả các nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính chính trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc. Theo Bộ trưởng Kent, việc rút khỏi Nghị định thư Kyoto sẽ giúp Chính phủ Canada tiết kiệm 14 tỉ đôla Canada nộp phạt do không đạt được mục tiêu cắt giảm khí thải đã ký kết, và thêm rằng, Chính phủ Canada không có sự lựa chọn nào khác trong tình hình kinh tế hiện tại.
Cho đến nay, Nghị định thư Kyoto là văn bản ràng buộc pháp lý duy nhất quy định trách nhiệm cắt giảm khí thải của 37 nước công nghiệp, trừ Mỹ. Theo quy định, giai đoạn I của văn kiện này sẽ hết hạn vào cuối năm 2012 và Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 17 tại Durban (Nam Phi) vừa qua quy định giai đoạn II của Nghị định này sẽ tiếp tục đến hết năm 2017, trước khi các nước đạt được một thỏa thuận mới về chống biến đổi khí hậu có hiệu lực muộn nhất vào năm 2020.
Tuyên bố của Bộ trưởng Môi trường Canada đã lập tức bị các tổ chức bảo vệ môi trường trong nước chỉ trích, cho rằng, việc rút lui là dấu hiệu càng cho thấy chính quyền của Thủ tướng Harper đang quan tâm đến việc bảo vệ các tác nhân gây ô nhiễm hơn là bảo vệ con người. Các nhà hoạt động môi trường cho rằng, Chính phủ của Thủ tướng Harper "bội ước" cam kết tham gia giai đoạn II của Nghị định thư là do không muốn làm tổn thương đến ngành công nghiệp dầu cát đang hứa hẹn phát triển mạnh mẽ, nhưng cũng là nguồn thải khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhanh nhất của nước này.
10. Thỏa thuận khí hậu lại một lần nữa được đưa lên bàn đàm phán
|
Hội nghị thượng đỉnh Durban được cả thế giới kỳ vọng sẽ vạch ra hướng đi cho con đường chống biến đổi khí hậu toàn cầu (Ảnh: unep.org) |
Vòng đàm phán về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tại Durban (Nam Phi) năm 2011 được cả thế giới kỳ vọng sẽ thống nhất được hướng đi cho con đường hành động bảo vệ trái đất trước các hệ quả của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. 194 nước tham gia Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã thông qua một quyết định quan trọng liên quan đến việc gia hạn Nghị định thư Kyoto, thành lập Quỹ Khí hậu xanh và các bước đi mới nhằm thực hiện các cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính sau năm 2020. Mặc dù được đánh giá là không “hoàn hảo như mong đợi”, nhưng kết quả này được cho là thành công hơn nhiều so với các hội nghị trước đó và làm hài lòng nhiều nước tham gia Hội nghị.
Theo thỏa thuận mới đạt được, tất cả các nước đều phải thực hiện cam kết kiểm soát khí thải theo cùng một khuôn khổ pháp lý. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực muộn nhất vào năm 2020. Các đại biểu cũng nhất trí gia hạn Nghị định thư Kyoto thêm 5 năm nữa. Hiện tại, theo Nghị định thư Kyoto, chỉ có các nước công nghiệp phát triển phải thực hiện các chỉ tiêu mang tính ràng buộc pháp lý về cắt giảm khí thải.
Kết quả này đạt được sau 14 ngày họp nhằm cứu Hội nghị khỏi thất bại như các hội nghị diễn ra trong hai năm trước tại Copenhagen và Cancun. Nhiều nước đã lên tiếng hoan nghênh kết quả đạt được tại Hội nghị Durban lần này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn lên tiếng cảnh báo rằng, văn bản của thỏa thuận vẫn còn những sơ hở cho các nước muốn tránh việc đưa cam kết cắt giảm thành bắt buộc. Giới khoa học tính toán, nếu việc phát thải khí nhà kính không giảm mạnh trong vài năm nữa, trái đất sẽ đối mặt với việc tăng nhiệt độ nhanh chóng, dẫn tới các thảm họa khí hậu nghiêm trọng hơn hiện nay rất nhiều./.