Tháp truyền hình cao 180 mét ở TP Nam Định đổ sập vì bão. Ảnh: Trọng Nghiệp |
17h30, tại tuyến đê biển của huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (giáp ranh Ninh Bình), gió mạnh cấp 11. Trực tiếp chống bão ở đây, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Nam Định Nguyễn Phùng Hoan cho biết, nhiều cây cối ven đê gãy đổ do gió bão, sóng cao.
Tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình), gió bão khiến cây cối đổ rạp, nhiều lán hàng bị tốc mái. Người dân không thể chạy xe máy ngoài đường mà phải dắt bộ.
Dù nằm cách xa tâm bão, song tối 28/10, Hà Nội đã có gió mạnh cấp 4-5, giật cấp 6 khiến cây cối ngã rạp. Trên nhiều tuyến đường cửa ngõ của thủ đô như Phạm Hùng, Nguyễn Xiển, Lê Văn Lương, Khuất Duy Tiến... nhiều xe máy di chuyển khó khăn, thậm chí phải dừng lại, dắt bộ vì gió lớn. Nhiều biển quảng cáo, cây xanh, phông bạt... ven các vỉa hè bị rách nát rồi đổ sụp xuống đường. Trong hai ngày tới, tổng lượng mưa ở thủ đô có thể đạt xấp xỉ 120 mm. |
Trong khi đó, tại huyện Hậu Lộc (giáp Ninh Bình), tuy mưa giảm nhưng gió bão vẫn mạnh cấp 7-8. Một số chòi, lán bán hàng ven đê của người dân bị tốc mái. Tại xã Ngư Lộc, điện lưới đột ngột mất khiến hàng nghìn hộ dân chìm trong bóng tối.
18h15, mưa lớn trải khắp một dải các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng (Nam Định), Kim Sơn (Ninh Bình). Do nước triều ở mức thấp nên mưa đến đâu, nước tiêu đến đấy
Gió bão mạnh cũng lan khắp vùng biển Ninh Bình, Nam Định. Người dân không dám ra đường vì gió giật mạnh, không thể đứng vững. Tại nhiều xã ven biển điện lưới mất trên diện rộng.
Bão quật đổ cây xanh trên đường phố Nam Định. Ảnh: Hoàng Hà |
18h45, tại huyện ven biển Nga Sơn (Thanh Hóa), gió mạnh cấp 9-10, toàn huyện mất điện lưới từ 9h sáng nay vẫn chưa được cấp lại. Theo Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Thanh Hóa Lê Văn Nguồn, một trường tiểu học ở huyện Hoằng Hóa sập 500m tường rào. Sở GD&ĐT chỉ đạo căn cứ trên tình hình thực tế mưa bão để cho học sinh nghỉ học vào ngày mai. Trước đó, nhiều trường đã thông báo nghỉ học để lấy chỗ cho người dân sơ tán bão.
19h15, bão Sơn Tinh vẫn càn quét suốt dọc bờ biển phía bắc Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình. Mưa nặng hạt kèm gió giật mạnh trải khắp vùng. Trong đó, ven biển Nam Định chịu ảnh hưởng nặng nhất với gió mạnh cấp 11-12.
Trực tiếp chống bão ở huyện ven biển Giao Thủy, ông Lê Xuân Thủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp Nam Định cho hay, "bão Sơn Tinh mạnh nhất từ 2005 tới nay". Dù tâm bão chưa cập bờ, song, trong đê biển các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng đã có gió mạnh tới cấp 11. Nhiều huyện sâu trong nội địa, thậm chí cả thành phố Nam Định gió mạnh tới cấp 10, mưa lớn.
"Mưa gió quần thảo suốt hơn hai giờ chưa dứt, cây cối đổ ngổn ngang khắp nơi", ông Thủy cho hay. Theo ông Thủy, ảnh hưởng của bão để lại cho Nam Định là rất ghê gớm. Toàn bộ tỉnh đã bị mất điện, ngay cả văn phòng Ban chỉ huy PCLB đặt tại thành phố Nam Định cũng phải chạy máy phát. Mưa gió và cây đổ cũng ngăn cản các lực lượng chống bão đi kiểm tra các khu vực xung yếu.
Ngư dân ở huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) đưa máy nổ của xuồng máy vào bờ. Ảnh: Lê Hoàng. |
23h, sau 6 giờ hoành hành, gió vẫn giật mạnh cấp 11-12 ở vùng ven biển Nam Định. Giám đốc Sở Nông nghiệp Lê Xuân Thủy cho hay, đây là trận bão "lạ lùng". Trong khi đó, điện lưới ở nhiều huyện vẫn chưa được cấp lại, cây cối gãy đổ nhiều khiến công tác thống kê, báo cáo thiệt hại chưa thể thực hiện.
Gió bão đã giật đổ tháp truyền hình cao 180m ở thành phố Nam Định. Xác nhận thông tin này với VnExpress, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Tuấn cho hay, đây là thiệt hại rất nặng nề. Cột tháp trị giá hàng chục tỷ đồng vừa đi vào hoạt động từ 2010 là tháp truyền hình cao nhất và hiện đại nhất ở miền Bắc.
Đây là hạng mục chính trong dự án xây dựng trung tâm phát thanh, truyền hình cấp vùng tại thành phố Nam Định theo quyết định số 109 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng thành phố Nam Định thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Tháp được lắp dựng trong 7 tháng bằng hệ thống khung thép do Malaysia sản xuất, Công ty TNHH một thành viên công trình Viettel đảm nhận thi công.
Tại Hải Phòng, Quảng Ninh, gió bão đã giật tung hàng trăm cây xanh, mái nhà. Nhiều khu vực tại nội thành Hải Phòng đã bị cắt điện.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn cho hay, đêm 28/10 và sáng 29/10, bão di chuyển chủ yếu theo hướng bắc với tốc độ 10 km mỗi giờ. Đến 7h sáng 29/10, tâm bão trên vùng bờ biển các tỉnh Hải Phòng - Thái Bình với cường độ giảm còn cấp 8-9, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực phía Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 9. Ảnh hưởng của bão số Sơn Tinh, các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ mưa lớn 50-100mm; một số nơi như Văn Lý (Nam Định) 160mm; đảo Bạch Long Vĩ 135mm…
Ngoài thiệt hại về hoa màu, nhà cửa, tài sản... bão Sơn Tinh đã làm ít nhất 3 người chết tại Quảng Ngãi.
Bão Sơn Tinh mạnh cấp 11-12 hoành hành suốt nhiều giờ ven biển các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình. Ảnh: NCHMF. |
17h35 ngày 28/10, cách bắc đảo Bạch Long Vĩ 14 hải lý, giàn khoan GSF KEY HAWAI có 35 người (21 người Việt Nam và 14 người nước ngoài) bị đứt dây kéo với tàu lai, do sóng to tàu lai không thể tiếp cận được với giàn khoan. Đại diện giàn khoan đề nghị sử dụng trực thăng cứu nạn (hiện tại có 3 tàu lai đang bảo vệ giàn khoan). Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn đã đề nghị thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu cho máy bay cứu nạn. Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân chuẩn bị máy bay, nghiên cứu thời tiết, khi đủ điều kiện an toàn bay thì báo cáo Sở chỉ huy Bộ điều máy bay đi cứu nạn.