Kịch bản này được cập nhật trong lộ trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu. So với kịch bản công bố năm 2009, kịch bản cập nhật 2012 được xây dựng trên cơ sở khai thác tối đa các nguồn số liệu, dữ liệu, các điều kiện khí hậu cụ thể của Việt Nam đến năm 20120 và sản phẩm các mô hình khí hậu, công cụ thống kê được lựa chọn, xây dựng chuyên biệt cho Việt Nam.
Các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam có mức độ chi tiết đến đơn vị hành chính cấp tỉnh và các khu vực ven biển, đặc biệt đã bổ sung một số yếu tố cực trị khí hậu, phục vụ cho công tác tính toán thiết kế và quy hoạch.
Theo kịch bản này, vào cuối thế kỷ 21, theo kịch bản phát thải khí nhà kính ở mức trung bình, nhiệt độ tăng 203 độ C, riêng khu vực Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mức độ tăng nhiệt nhanh nhất. Số ngày có nhiệt độ cao trên 35 độ C tăng từ 15 đến 30 ngày trên phần lớn diện tích cả nước.
Về lượng mưa, xu thế chung là lượng mưa giảm vào mùa khô và tăng vào mùa mưa. Mức tăng lượng mưa từ 2% đến 7%. Điều đáng lưu ý là có thể xuất hiện ngày mưa dị thường với lượng cao gấp đôi so với kỷ lục hiện nay.
Yếu tố nước biển dâng được các nhà khoa học tính toán khá chi tiết. Theo đó, vào cuối thế kỷ này, mực nước biển dâng cao nhất ở vùng từ Cà Mau đến Kiên Giang, trong khoảng 62-82cm; thấp nhất ở Móng Cai là 49-64cm. Trung bình cả nước, mực nước biển dâng là 57-73cm. Theo kịch bản phát thải cao, mực bước biển trung bình có thể dâng cao 78-95cm.
Kết quả tính toán mức độ ngập lụt cho biết, nếu nước biển dâng 1m, khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, 2,5% diện tích ven biển miền Trung bị ngập. Khu vực TP. Hồ Chí Minh có đến 20% diện tích ngập.
Với mức độ nước biển dâng và ngập lụt như vậy, 35% dân số đồng bằng sông Cửu Long, 9% dân số đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh bị ảnh hưởng trực tiếp. Riêng TP. Hồ Chí Minh có 7% dân số bị ảnh hưởng…
PGS. TS. Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường khuyến cáo các địa phương, việc triển khai, xây dựng và thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu không nhất thiết phải tiến hành đại trà, quy mô hàng chục năm mà phải có phân kỳ thực hiện. Đặc biệt, cần xác định mức độ ưu tiên dựa trên nhu cần thực tiễn, nguồn lực. “Kịch bản thấp và kịch bản trung bình có thể áp dụng đối với các tiêu chuẩn thiết kế cho công trình mang tính không lâu dài và quy hoạch, kế hoạch ngắn hạn. Kịch bản cao cần áp dụng cho công trình mang tính vĩnh cưu, kế hoạch, quy hoạch dài hạn”, ông Thục nói.