Năm 2011, tỉnh An Giang đã xuất hiện lũ lớn, đột xuất. Tuy về muộn so năm 2000 trên 1 tuần nhưng lũ có cường suất mạnh và diễn biến phức tạp, mực nước lũ cao trên báo động 3 và duy trì trong thời gian dài khiến các địa phương lúng túng trong công tác phòng chống; một số địa phương triển khai thi công công trình thủy lợi chậm, nhiều tuyến đê chưa kịp tạo mái, đầm chặt; nhiều tuyến đê mới chưa có dân đến sinh sống nên khi có sự cố phát hiện chậm, không có vật tư tại chỗ để xử lý khắc phục. Bên cạnh đó, do gần 10 năm không có lũ lớn nên người dân mới tính toán phương tiện bơm rút nước mưa, vì vạy khi vỡ đê không có khả năng bơm rút nước, gia cố đê lơi lỏng không đồng bộ. Phần lớn tuyến đê bị vỡ ngoài dự kiến do đây là tuyến đê mới thi công...
Tuy nhiên, các địa phương đã kịp thời huy động lực lượng vũ trang và nhân dân từ tỉnh đến huyện, thị, xã, phường gần 150.000 người tự nguyện túc trực thường xuyên tại các điểm đê xung yếu, kiên quyết bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Huyện Thoại Sơn còn xây dựng đường dây nóng để khi phát hiện có dấu hiệu nứt, vỡ đê thông báo cho chính quyền, ban phòng chống lụt bão địa phương xử lý kịp thời. Chính quyền huyện Tịnh Biên đã bình tỉnh điều động, bố trí phương tiện, vật tư kịp thời, đầy đủ, nêu cao tinh thần tập thể đoàn kết, có ý thức trách nhiệm phân công tuần tra bảo vệ xuyên suốt trong suốt mùa lũ và xử lý sự cố đê hiệu quả. Từ thực tế của mùa lũ những năm trước, Hội Chữ thập đỏ An Giang đã chủ động sớm thành lập các điểm cứu hộ cứu nạn có trang bị đầy đủ phương tiện phù hợp với từng địa bàn nguy hiểm. Đặc biệt, việc chăm lo đời sống cho hộ bị đói trong lũ cũng được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban MTTQ tỉnh An Giang quan tâm; đã chi, vận động kịp thời trên 27 tỷ đồng và 10 triệu yên Nhật cấp lương thực, thực phẩm và những đồ dùng thiết yếu nhất như phương tiện mưu sinh, áo phao, thuốc Cloramin B khử trùng nước.... giúp đồng bào vượt qua khó khăn trong thời gian xảy ra lũ...
Theo ông Nguyễn Anh Thư, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang: Hiện nay lũ đã rút, tình hình sạt lở sẽ bắt đầu nghiêm trọng với dự báo 54 điểm có nguy cơ sạt lở. Bên cạnh đó cơ đê có dốc đứng, cao trình đê còn thấp so với đỉnh lũ năm 2000, cùng với tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng sẽ không bảo đảm cho sản xuất vụ 3 trong những năm tới. Nhiều ngành, huyện, thị còn kiến nghị cần quan tâm cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân nhằm tránh dịch bệnh; nên bổ sung lực lượng kiểm tra đê chuyên trách. Dự báo năm 2012 khả năng lũ lớn ảnh hưởng những tuyến đê nằm trong vùng có cát và chú trọng độ mặn sẽ cao hơn năm 2011 nên cần có biện pháp đóng mở cống đập linh động, hợp lý và xây dựng 3 trạm quan trắc thủy văn dọc tuyến sông Tiền, sông Hậu...
Theo ông Nguyễn Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: Từ những kinh nghiệm thực tế đã giúp tỉnh hạn chế thấp nhất thiệt hại do lũ gây ra. Tính theo giá thực tế hiện nay thấp hơn 6 lần giá trị thiệt hại so với lũ lớn nhất năm 2000 và phấn khởi là đã bảo vệ thắng lợi được vụ thu đông, bổ sung cho tỉnh An Giang trên 700.000 tấn lúa, mang lại lợi nhuận trên 2.200 tỷ đồng cho nông dân, góp phần tăng sản lượng lương thực cho tỉnh năm 2011 là 3,8 triệu tấn. Ông còn nhấn mạnh, trong thời gian tới các địa phương chú trọng các tuyến đê cũ, không chủ quan với mực nước lũ hàng năm; ngay từ bây giờ các huyện thị chủ động phối hợp với ngành Kiểm lâm có kế hoạch trồng cây bảo vệ các tuyến đê bao sản xuất vụ 3/2012 tới và xây dựng, tu bổ đê bao đảm bảo vượt cao trình đỉnh lũ năm 2000 và gắn với giao thông, khu dân cư nông thôn theo tiêu chuẩn, tiêu chí nông thôn mới.
Trong đợt này, UBND tỉnh An Giang đã trao tặng Bằng khen cho 83 tập thể và 251 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống lụt bão, bảo vệ lúa thu đông.