Để chủ động ứng phó với đợt triều cường này và các đợt triều cường có khả năng xuất hiện tiếp theo đến cuối năm 2012, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các địa phương, các Sở, ban, ngành liên quan triển khai một số giải pháp như: Tôn cao bờ bao hạ lưu các cống dọc theo Quốc lộ 1A để chống triều cường tràn, đảm bảo ngăn mặn an toàn cho diện tích lúa thu đông, đông xuân; gia cố đê, kè ven biển Đông, gia cố bờ bao ngăn triều cường khu vực Đồn Biên phòng 664; vận động nhân dân gia cố bờ bao ao, đầm, ruộng muối… để bảo vệ sản xuất. Ngoài ra, UBND các huyện, thành phố cũng tổ chức tuyên truyền rộng rãi về tình hình triều cường; vận động nhân dân tích cực nâng cao bờ bao ao đầm nuôi thủy sản, bờ bao ruộng lúa, rau màu, nền nhà, kho hàng...
Bạc Liêu là một trong những tỉnh, thành của khu vực ĐBSCL bị ảnh hưởng nặng nề từ xâm nhập mặn và nước biển dâng. Do vậy, việc phát triển và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển để chắn sóng, chắn gió và chống xói lở đất có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đặc biệt là đồi với rừng phòng hộ chắn sóng tại biển Nhà Mát, TP. Bạc Liêu. Tuy nhiên, chỉ vì cuộc mưu sinh hay chạy theo lợi nhuận mà một số người đã vô tâm quay lưng lại với rừng, họ tàn phá rừng đủ kiểu như vào rừng tìm sâm đất đào trốc gốc nhiều vạt cầy rừng chắn sóng; làm vuông tôm trong rừng, dẫn đến rừng chết khô do ứ nước nuôi tôm ở xã Long Điền Đông A, huyện Đông Hải.
Đây là một trong những nguyên nhân gây xói lở đất và nước biển ngày càng lấn sâu vào đất liền. Nước biển từng tràn ngập cả khu dân cư hành nghề khai thác thủy sản phường Nhà Mát thành phố Bạc Liêu. Hiện, tình hình xâm nhập mặn và lở đất ở khu vực ven biển Bạc Liêu ngày càng diễn biến phức tạp, có nơi đất nứt tạo nên những rãnh sâu cả mét và kéo dài hàng chục mét làm người dân không thể tiếp tục sinh sống như việc sạt lở đất tại khu vực 1, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải. Để hạn chế sạt lở, xâm nhập mặn và nước biển dâng, Bạc Liêu đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các công trình bờ kè Gành Hào huyện Đông Hải.