Các địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến triều cường dâng cao, triển khai các giải pháp đồng bộ, gia cố lại kè, bờ sông có nguy cơ sạt lở, tràn bờ bao; đối với khu vực gần cửa biển, ven sông lớn đầu tư xây dựng đê mèn, kè bán kiên cố; khuyến cáo người dân chủ động tôn tạo, nâng cao nền nhà, ao đầm nuôi tôm, diện tích hoa màu, cây ăn quả. Ông Lai Thanh Ẩn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB&TKCN, đợt triều cường này kéo dài từ ngày 14 - 20/10. Mức đỉnh triều đo được tại cửa biển Gành Hào, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) lúc 3h sáng ngày 17/10 cao 2,23 m, vượt mức báo động III (2 m), và cao hơn so với dự báo đến 18 cm. Đây là đỉnh triều dâng cao kỷ lục trong 16 năm qua, kể từ khi tái lập tỉnh Bạc Liêu (1997). Trước đây có 2 đợt đỉnh triều được xem là cao nhất, đạt mức 2,14 m xuất hiện trong cơn bão số 5, năm 1997 và đỉnh triều xuất hiện ngày 29/10/2011. Theo dự báo, triều cường sẽ còn tiếp tục dâng cao trong những ngày tới.
Với mức triều cường dâng cao cực đại như những ngày qua, một số địa phương đã bị ngập nặng như huyện Đông Hải, thành phố Bạc Liêu, Hòa Bình, Giá Rai với hơn 30 tuyến đường giao thông ngập từ 5 cm – 30 cm; gần 3.000 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, trong đó có hàng chục ha thiệt hại từ 60 - 70%; hơn 300 căn nhà và nhiều điểm trường, cơ quan, chợ bị ngập. Riêng tuyến đường Quốc lộ 1A, triều cường tràn qua 4 điểm, mực nước dâng cao tràn qua mặt đường từ 10 - 50 cm, làm một lượng lớn nước mặn chảy vào kênh rạch vùng ngọt hóa phía Bắc tỉnh Bạc Liêu. Tuy chưa thống kê được mức thiệt hại chính xác nhưng triều cường đã gây xáo trộn không nhỏ đến cuộc sống dân sinh và sản xuất của hàng ngàn hộ dân ven biển tỉnh này.