Trong khoảng thời gian từ năm 2009-2010, các nhà khoa học đã tiến hành 5 chuyến bay đo lượng khí metan trong khí quyển tại khu vực 80 vĩ độ Bắc.Và đã phát hiện ra sự tập trung rất đáng kể một lượng khí methal gần bề mặt các đại dương, đặc biệt là ở các vùng biển băng đã rạn nứt hoặc đứt gãy. Đây là một nguy cơ mới đáng lo ngại đe doạ làm tăng nhiệt độ toàn cầu. Khi diện tích biển có băng bao phủ tan chảy và do tác động bởi hiện tượng ấm lên toàn cầu, khí metal có thể phát thải vào khí quyển.
Trong hàng triệu năm qua, các nứt gãy quả đất đã giải phóng và tích tụ khối lượng lớn khí metan, nay cùng với sự ấm lên toàn cầu, đã phát thải nhiều hơn khí metan vào không khí. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học chỉ ra rằng đại dương cũng là một nguồn thải ra khí metan, ngoài nguồn phát thải ra từ các lục địa. Dù mức khí metan trong khí quyển là tương đối thấp, nhưng về mặt hiệu ứng nhà kính (hay sự bẫy nhiệt Mặt Trời) nó tác động tới môi trường lớn gấp từ 20-40 lần khí dioxide carbon (CO2). Như vậy, sự ấm lên của trái đất làm phát thải khí metan, rồi đến lượt khí này góp phần tăng thêm nhiệt độ trái đất như một hiệu ứng tương tác hai chiều. Theo nhà nghiên cứu Eric Kort, Viện Công nghệ Caltech ở California, kết quả đo đạc hiện trường chứng tỏ rằng lượng khí metan phát thải trong một số khu vực của đại dương có thể so sánh với lượng phát thải ở bờ biển phía Đông Siberia, nơi có các tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu tan chảy. Đáng chú ý là khoảng 10 triệu km2 diện tích băng Bắc Băng Dương có thể bị tan chảy vào mùa hè và lượng khí phát thải có thể trở thành một nguồn đủ lớn tác động đến khí hậu toàn cầu. Cụ thể, hiện nay, mỗi năm có trên 8 triệu tấn metan thoát vào khí quyển từ thềm lục địa Bắc Cực ở Đông Siberia. Quá trình tan băng ở Bắc Cực khởi đầu từ những năm 80 của thế kỷ 20. Đến nay, đã có trên 130km2 băng vĩnh cửu ở Bắc Cực thuộc phần lãnh thổ của Canada bị tan biến.