Tuyến ven biển Tây có chiều dài 97 km, giáp ranh với tỉnh Kiên Giang. Năm 1990 Cà Mau đầu tư 60 tỷ đồng xây dựng đê biển Tây dài 100 km nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông, an ninh quốc phòng, đồng thời bảo đảm sản xuất cho 100.000 ha đất nông nghiệp. Theo các ngành chức năng, xâm mặn luôn xảy ra, nhất là vào mùa khô do triều cường dâng cao. Với tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng sắp tới tình trạng xâm mặn sẽ còn diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, do thời gian sử dụng lâu năm, thêm vào đó sóng từ biển Tây đập vào đê liên tục làm cho đê bị sạt lở. Hiện nay nhiều đoạn đê đã bị vỡ, nước mặn tràn vào ruộng ngày càng lan rộng. Để khắc phục tình trạng xâm mặn, mỗi năm địa phương phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng để nâng cấp nhưng không có hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cà Mau cho biết: Ven biển Tây nói chung, đê biển Tây nói riêng có vị trí đặc biệt về kinh tế, an ninh quốc phòng. Vì vậy tỉnh rất cần sự hỗ trợ của Bộ, ngành Trung ương, trong đó đặc biệt là Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Đối với tình hình xâm mặn, biện pháp trước mắt của Cà Mau là vận động nông dân đào mương nhỏ trên ruộng để cho nước mặn lắng xuống. Về lâu dài nhất định phải đầu tư xây dựng bờ kè đê biển Tây để bảo vệ đê, đồng thời sẽ khắc phục tình trạng xâm mặn đang diễn ra nghiêm trọng.