Trong đó, tại huyện Bảo Lâm mưa đã gây lũ làm cầu ở ngã ba Bệnh viện (thị trấn Pác Miều) bị ngập sâu từ 1,5 - 2 m gây ách tắc giao thông. Đường giao thông các xã Vĩnh Phong, Đức Hạnh, Nam Cao, Thái Sơn, Mông Ân bị sạt lở đất, đá nhiều đoạn gây ách tắc giao thông, các phương tiện không lưu thông được. Đặc biệt, đường vào 2 xã Quảng Lâm và Thạch Lâm nước lũ ngập nước sâu nhiều đoạn, hiện nay không đi lại được. Tại huyện Bảo Lạc, quốc lộ 34 từ thị trấn Bảo Lạc ra Thị xã tại km 12 có khoảng 1.000 m3 đất, đá sạt lở gây ách tắc giao thông, hiện nay các phương tiện không lưu thông được. Tại huyện Thông Nông, Tỉnh lộ 204 qua thị trấn Thông Nông có 2 đoạn bị ngập sâu khoảng 50 cm, chiều dài ngập 250 m làm nhiều phương tiện giao thông không đi lại được. Nước đã làm ngập 4 ha ruộng của xã Cần Nông và 5 ha của xã Ngọc Động. Trường học, Trạm Y Tế, UBND xã Ngọc Động tầng 1 bị ngập sâu khoảng 1m; xóm Lũng Tàn, xã Ngọc Động bị cô lập do ngập nước sâu 0,7 - 1 m, nhân dân địa phương đang tổ chức di dời trâu, bò và tài sản đến nơi an toàn.
Dự báo diễn biến thời tiết trong ngày 26 - 27/7 tiếp tục có mưa vừa, mưa to nguy cơ gây sạt lở đất, lũ quét có thể xảy ra. Để chủ động đối phó với tình hình thiên tai sau bão, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo, đôn đốc chính quyền các cấp, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão & TKCN các ngành, huyện, thị và các xã, tiếp tục duy trì công tác trực ban, theo dõi diễn biến thời tiết; Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, duy trì lực lượng thường trực sẵn sàng tổ chức thực hiện các biện pháp ứng phó với các tình huống khẩn cấp do thiên tai gây ra, chủ động huy động lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn theo phương án "4 tại chỗ" tham gia phòng, tránh lũ quét và sạt lở đất khi cần. Kiểm tra, tổ chức di dời các hộ dân trong vùng trũng, bị ngập lụt, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất sơ tán đến nơi an toàn.