Ảnh mây vệ tinh cơn bão số 8. Ảnh: Trung tâm DBKTTV Trung ương |
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km, áp sát bờ biển Đồng Bằng Bắc Bộ. Đến 4 giờ ngày 29/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Quảng Ninh – Thái Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 16 giờ ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực phía Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội.
Ở các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có gió giật cấp 6, cấp 7.
Khu vực các tỉnh ven biển phía đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, đến rất to. Ngoài ra do ảnh hưởng của bão kết hợp với thủy triều khu vực từ Quảng Ninh đến Ninh Bình nước biển dâng cao từ 3 – 3,5m.
Do ảnh hưởng của bão số 8, ở Bãi Cháy (Quảng Ninh) có gió mạnh 20m/s (cấp 8), giật 26 m/s (cấp 10); Cô Tô có gió mạnh 12m/s (cấp 6), giật 15m/s (cấp 7); ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió mạnh 20m/s (cấp 8), giật 30m/s (cấp 11); ở Cửa Ông có gió giật 19m/s (cấp 7); Thái Bình 16m/s (cấp 7), giật 23m/s (cấp 9); Văn Lý (Nam Định) 17 m/s (cấp 7), giật 30m/s (cấp 11).
Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã có mưa vừa, mưa to đến rất to với tổng lượng mưa từ 50 -100mm; một số nơi có mưa lớn hơn như Cẩm Nhượng (Hà Tĩnh) 173mm; Mai Hóa (Quảng Bình) 139mm; Tà Rụt (Quảng Trị) 146mm.
Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình kiểm tra công tác PCLB tại đê Bình Minh 3 (Kim Sơn). Ảnh: Báo Ninh Bình |
Các địa phương nỗ lực “chạy đua” với bão
Trước diễn biến phức tạp của bão số 8, đến nay, tại các huyện ven biển Nghi Xuân, Lộc Hà và Kỳ Anh của tỉnh Hà Tĩnh đã di dời, sơ tán hơn 400 hộ dân với trên 1.100 nhân khẩu đến nơi an toàn, đây là những hộ dân ở vùng ven biển, vùng bị ảnh hưởng trực tiếp do cơn bão số 8 gây nên. Huyện Thạch Hà đã tổ chức di chuyển 30 lồng bè tại hạ lưu cống Đò Điệm vào nơi an toàn, đảm bảo khả năng tiêu thoát lũ và an toàn của công trình.
Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng chỉ đạo Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng sử dụng 1 cần cẩu, 1 máy xúc, 15 công nhân, bảo dưỡng tu sửa hệ thống đóng mở cống Tây Yên ở xã Kỳ Thịnh do trước đó bị kẹt. Đến nay đã vận hành đóng mở được 4/5 cánh cống, còn 1 cánh đang tiếp tục sửa chữa. Huyện Đức Thọ và thị xã Hồng Lĩnh chỉ đạo lực lượng vận hành, bảo vệ cống Đức Xá, trải ni lông bảo vệ thân đập Khe Môn đề phòng khi nước dâng lên cao chảy qua thân đập. Đây là công trình đang thi công do Bộ chỉ huy quân sự Hà Tĩnh làm chủ đầu tư.
Trước tình hình cơn bão số 8 sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Nam Đồng bằng sông Hồng chiều tối 28/10, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Nam Định đã tăng cường kiểm tra và đôn đốc công tác phòng chống bão. Đến nay, toàn bộ 2.080 tàu thuyền của tỉnh đã về nơi neo đậu an toàn, trong đó 2.018 tàu thuyền với 10.450 ngư dân neo đậu tại các điểm tránh bão của tỉnh. Nam Định đã di dời 1.800 người tại các chòi canh vùng nuôi trồng thuỷ sản vào bờ tránh bão; sơ tán 1.108 hộ/4.417 hộ của 3 huyện ven biển.
Tại Hải Phòng, đến 16h ngày 28/10, UBND TP đã chỉ đạo các địa phương cùng các cơ quan, ngành chức năng sơ tán hơn 380 nhân khẩu tại quận Đồ Sơn, huyện đảo Bạch Long Vỹ và Cát Hải ra khỏi vùng nguy hiểm do ảnh hưởng của bão số 8. Các đơn vị trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã bố trí hơn 28.000 người sẵn sàng xung kích hộ đê, phòng chống lụt bão; chuẩn bị hơn 1.100 xe ôtô các loại, 152 tàu và xuồng cao tốc, 4 xe thiết giáp, 20.843 tấn lương thực... Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng Hải Phòng đã phối hợp kiểm đếm, thông báo, hướng dẫn cho hơn 4.500 phương tiện, lồng bè, chòi canh/15.206 lao động đang hoạt động và nuôi trồng hải sản trên khu vực biển Hải Phòng về nơi an toàn.
Huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã thông báo, kêu gọi hơn 1.680 phương tiện tàu, thuyền về nơi tránh trú bão; sẵn sàng các phương án di dời đối với hơn 4.000 nhà bè, lồng bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Huyện Cô Tô đã kêu gọi hơn 350 tàu, di dời các bè, mảng mắc cạn, tàu thuyền về nơi trú bão an toàn, đồng thời kiểm tra hệ thống các hồ đập thủy lợi; gia cố những khu vực trọng yếu của hệ thống đê, kè, gia cố một số nhà dân có nguy cơ sập nếu gió lớn.
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 8, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội có công điện khẩn gửi các sở, ngành và địa phương, yêu cầu khẩn trương triển khai các phương án phòng chống bão.
Theo công điện, các Sở, ngành và địa phương tăng cường kiểm tra, kiên quyết sơ tán dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở và các khu nhà nguy hiểm đến nơi an toàn.
Công ty Thoát nước Hà Nội tập trung kiểm tra, rà soát các công trình chống úng ngập, giải tỏa ngay các vật cản; triển khai biện pháp tăng cường tiêu thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành; có giải pháp cụ thể đối với từng điểm thường xuyên úng ngập cục bộ.
Các công ty thủy lợi chủ động thực hiện tiêu nước đệm và kiểm tra vận hành các công trình đáp ứng yêu cầu chống úng ngập khi có mưa. Công ty Công viên cây xanh bảo đảm xử lý nhanh các sự cố cây đổ.
Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội bảo đảm an toàn về điện, kịp thời khắc phục sự cố, cung cấp đủ nguồn điện ổn định cho các trạm bơm tiêu hoạt động hết công suất phục vụ tiêu úng. Sở GTVT phối hợp với công an thành phố bảo đảm giao thông tại những điểm thường xuyên xảy ra úng ngập trong khu vực nội thành.