Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, triển khai một số chương trình, dự án nhằm thực hiện mục tiêu của Đề án 119 về phát triển thông tin truyền thông nông thôn giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nội dung Đề án 119 vẫn tồn tại những bất cập trong quá trình thực hiện. Theo đại diện Vụ kế hoạch tài chính, một số mục tiêu cụ thể của Đề án vẫn chồng chéo và chưa có giải pháp thực hiện cụ thể. Do đó, cần rà soát và xem xét việc sửa đổi một số nội dung hiện không còn phù hợp với thực tế hiện nay.
Đề án 119 có 6 tiểu đề án bao gồm: Tiểu đề án 1 là chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2011 – 2015; Tiểu đề án 2: Xây dựng hạ tầng viễn thông băng rộng đến xã; Tiều đề án 3: Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống điểm BĐVHX và xây dựng thí điểm trung tâm thông tin và truyền thông cộng đồng; Tiểu đề án 4: Xây dựng kênh truyền hình chuyên biệt về nông thôn; Tiểu đề án 5 là phát triển internet cho cộng đồng nông thôn; Tiểu đề án 6: Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập internet công cộng tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo đại diện Vụ Kế hoạch tài chính, đơn vị này vẫn còn lúng túng trước một số mục tiêu cụ thể của Đề án này như: 100% số xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có điểm cung cấp dịch vụ bưu chính; 100% lãnh thổ, lãnh hải, các đảo thuộc chủ quyền Việt Nam được phủ sóng PT- TH Trung ương; 100% các xã có trụ sở UBND, trường học, trạm xá được cung cấp internet băng rộng… Bởi lẽ, những mục tiêu này có sự chồng chéo, trùng hợp cả nội dung và kinh phí thực hiện với một số chương trình, đề án khác như Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở giai đoạn 2012 – 2015; Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích; Lộ trình số hóa truyền hình…
Do đó, theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, để tránh sự chồng chéo, lãng phí cần thống nhất phạm vi, địa bàn thực hiện các nội dung của Đề án; Rà soát sửa đổi một số nội dung không còn phù hợp với thực tế hiện nay; Phân kỳ thời gian thực hiện các nội dung, dự án thành phần; Cần có sự điều hành, lồng ghép thông qua cơ chế kế hoạch hàng năm... Đồng thời, phải phân công trách nhiệm cụ thể của các đơn vị có liên quan như Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam; Tổng Công ty bưu chính Việt Nam; Cục Viễn thông; Cục Quản lý Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử…