Theo dự báo của các ngành chức năng tỉnh Cà Mau, trong thời gian tới, nếu thời tiết tiếp tục diễn biến xấu thì nguy cơ vỡ đê có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ảnh hưởng đến đời sống, mùa màng sản xuất của hàng ngàn hộ dân cư ngụ ven tuyến đê biển Đông và Tây.
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Cà Mau cho biết: Kể từ năm 2010 đến nay, tỉnh Cà Mau đã thi công hoàn thành gần 1 km kè cơ bản, kết cấu kè chắc chắn so với các loại kè xây dựng trước đây. Ưu điểm của kè cơ bản này chịu được áp lực sóng biển va đập mạnh, ngăn chặn sạt lở bờ biển và trồng rừng khôi phục lại diện tích đất, rừng đã mất. Đây là giải pháp bảo vệ an toàn cho đê biển. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống kè cơ bản phải đầu tư vốn lớn, mỗi mét kè tốn từ 30 - 100 triệu đồng. Tỉnh không thể kham nổi dự án xây dựng công trình kè cơ bản có vốn lớn hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng nên phải tranh thủ từ nguồn vốn đầu tư của Chính phủ.
Đến mùa mưa bão hàng năm, tỉnh Cà Mau phải ban bố tình trạng hộ đê khẩn cấp, huy động nhiều lực lượng sẵn sàng ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Ông Hoai trăn trở: Khoảng 2 km bờ biển bị sạt lở rất nghiêm trọng cần đầu tư vốn xây dựng khẩn cấp kè cơ bản để phòng chống nạn vỡ đê trong mùa mưa bão năm nay. Công việc thi công xây dựng hệ thống kè thường tiến hành trước mùa mưa bão hàng năm nhằm chủ động ứng phó với sự biến đổi xấu của thời tiết và khí hậu, nhưng vì thiếu kinh phí nên "nước đến chân rồi mới nhảy".