* Tỉnh Tiền Giang chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của mùa mưa bão 2012 theo phương châm “4 tại chỗ”.
Theo ông Lê Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang: Đối với khu vực ven biển phía Đông tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức ứng phó bão và triều cường cho nhân dân sống trên các cù lao, cửa sông, vùng duyên hải; có phương án di dời dân tránh bão khi tình huống khẩn cấp xảy ra. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ động kiểm tra toàn bộ hệ thống công trình ngăn mặn trong Dự án Ngọt hóa Gò Công để có kế hoạch tu sửa và bảo vệ tốt ngay trước mùa mưa bão năm 2012, xây dựng phương án hộ đê khả thi bảo vệ tuyến đê biển Gò Công, không để sự cố xảy ra.
Đối với các huyện vùng ngập lũ phía Tây: Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành, Tân Phước, ngay từ vụ đông xuân 2011 – 2012, tỉnh bố trí hợp lý mùa vụ sản xuất cả năm, nhằm mục tiêu né lũ, đảm bảo thu hoạch an toàn cho lúa vụ ba trước khi nước từ thượng nguồn tràn về gây hại. Bên cạnh đó, tập trung kiện toàn mạng lưới đê bao ngăn lũ cho các vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản, trồng cây công nghiệp phục vụ chế biến xuất khẩu trên Đồng Tháp Mười, nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả theo hướng “chung sống với lũ”, giúp bà con an cư lạc nghiệp, tổ chức sản xuất hiệu quả, tránh tình trạng chạy lũ gieo neo vất vả trước đây.
Cũng theo ông Lê Văn Hưởng: Để đảm bảo hiệu quả công tác phòng chống lụt bão năm 2012 trong tình hình thời tiết, thủy văn diễn biến khó lường, biến đổi khí hậu ngày một rõ nét đưa đến nhiều hệ lụy cho các tỉnh ven biển Nam Bộ trong đó có Tiền Giang, tỉnh kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, phân công phân nhiệm cụ thể cho từng thành viên, xây dựng phương án đối phó hữu hiệu cho từng khu vực, từng tiểu vùng và từng tình huống đột xuất nhằm giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản nhân dân. Nằm ở hạ lưu sông Tiền, có bờ biển dài 32 km, nhiều tiểu vùng sinh thái: Ngọt, lợ, mặn, vùng ngập lũ... hàng năm, Tiền Giang luôn phải đối mặt với thiên tai lụt bão. Trong năm 2011, lũ và triều cường đã gây thiệt hại về vật chất cho địa phương trên 585 tỉ đồng.
* Tỉnh Ninh Bình hiện có 28 tuyến đê sông, đê hồ, đập và đê biển với tổng chiều dài hơn 460 km. Trong đó, đê cấp III và đê biển dài 162,66 km (có 32 kè, 87 cống và âu); đê sông nội tỉnh dài 305,96 km (có 5 kè, 176 cống và âu). Về hồ chứa có 44 hồ với tổng dung tích 41,08 triệu m3; trong đó có các hồ lớn như Yên Quang, Đồng Chương, Đập Trời (huyện Nho Quan); Yên Thắng, Yên Đồng (huyện Yên Mô). Năm 2012, Ninh Bình xác định huyện Kim Sơn là trọng điểm chống bão và hai huyện Nho Quan, Gia Viễn gồm hệ thống đê tả, hữu sông Hoàng Long là trọng điểm chống lũ lụt.
Phát huy phương châm "bốn tại chỗ", bên cạnh việc bố trí nhân lực thường xuyên ứng trực 24/24 giờ từ ngày 5/5 đến hết ngày 30/11, Ninh Bình tiến hành tu bổ đê điều thường xuyên, đắp tôn cao áp trúc đê, kè với khối lượng hơn 2.700 m3 đất đá các loại, trên 1.100 m3 bê tông với kinh phí 3 tỷ đồng, gia cố hàng trăm km đê; tiến hành nạo vét khoảng 2 triệu m3 bùn nhằm khơi thông dòng chảy trên sông Hoàng Long, giúp tiêu thoát lũ được thuận lợi. Tại đập tràn Lạc Khoái (huyện Gia Viễn), 24 cửa cống có gắn môtơ điện được bảo dưỡng thường xuyên, mỗi cửa cống được bố trí hai công nhân vận hành để kịp thời xử lý khi lũ về. Tại huyện Kim Sơn, trụ sở chỉ huy tiền phương với 3 tầng khép kín có tổng kinh phí xây dựng khoảng 10 tỷ đồng trích từ vốn ngân sách địa phương, đang trong quá trình hoàn thiện, phấn đấu đưa vào sử dụng trước tháng 7, phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Tỉnh Ninh Bình đã chuẩn bị khối lượng vật tư dự trữ phòng chống lụt bão gồm 22.154 m3 đá hộc, 54.200 m2 bạt chống sóng, 408.775 bao nilon, 5.050 m2 vải lọc, 2.859 bộ rọ thép, 13.967 kg dây thép các loại, huy động 278 xe tải, 98 xe khách, 30 xe cứu thương, 53 máy xúc, xe cẩu, 10 máy ủi, 18 tàu và ca nô, 8 xà lan và 6 tàu tự hành, 122 thuyền máy, 57 xuồng máy, 285 nhà bạt... cùng các trang bị bảo hộ phòng chống lụt bão kèm theo của 16 cơ quan, đơn vị. Ngoài lực lượng xung kích, thường trực phòng chống lụt bão lên tới hàng nghìn người của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, khi thời tiết diễn biến bất thường sẽ huy động thêm lực lượng cơ động của quân đội để tăng cường cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt, quyết tâm bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước.