Bão số 8 đã gây thiệt hại tại nhiều địa phương, làm hàng chục người mất tích, hàng trăm thuyền bè bị đắm và cuốn trôi, hàng nghìn diện tích hoa màu bị ngập úng nặng.
** Sáng nay (29/10), lực lượng Bộ đội Biên phòng thành phố Hải Phòng đã cứu được 11 ngư dân, 4 thuyền viên và vẫn chưa liên lạc 22 người sống trên các bè nuôi trồng thủy sản được neo đậu trên vịnh Cát Bà. Các lực lượng chức năng huyện Cát Hải mới tìm thấy 4 người và 1 người mất tích trong vụ tàu vận tải Hùng Khánh - chở khoáng sản bị đắm vào tối 28/10 và vẫn đang tích cực tìm kiếm 3 người trên các lồng bè.
Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải, cho biết: “Tối 28/10, tàu SAR của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tổ chức tìm kiếm người mất tích, nhưng do biển động quá mạnh, nên đến sáng 29/10 mới tiếp cận và cứu được 3 người. Hôm nay, chúng tôi tiếp tục chia làm 3 tổ, tập trung vào những điểm trọng yếu để tìm kiếm những người còn lại”.
|
Cột điện đổ sập vào một nhà dân tại tổ 31, phường Lê Hồng Phong, TP Thái Bình (Ảnh: Thaibinhtv) |
** Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, từ đêm qua đến sáng nay (29/10), có 2 người mất tích ở huyện Vân Đồn, gần 10 tàu thuyền bị chìm, 30 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị vỡ, hàng trăm ha lúa bị đổ… Để đảm bảo tính mạng cho trẻ em, trong ngày hôm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh đã có công điện khẩn cho học sinh tất cả các cấp nghỉ học. Tại huyện Vân Đồn có 1 tàu ở đảo Phượng Hoàng bị sóng lớn đánh chìm, khiến 2 người mất tích hiện vẫn chưa tìm thấy, gần 10 km đường ở xã Vạn Yên bị sạt lở.
** Do ảnh hương của bão số 8, tỉnh Hưng Yên có hàng trăm diện tích hoa màu vụ đông xuân bị dập đổ và ngập úng nặng, nhiều nhà dân và công sở bị tốc mái. Ước tính thiệt hại 180 tỷ đồng. Ông Hồ Trọng Khải, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Hưng Yên cho biết: “Thiệt hại lớn nhất tại địa phương là chuối, với khoảng 600 ha bị gãy, gục, thiệt hại khoảng 180 tỷ đồng. Hiện chúng tôi đang tiếp tục thống kê. Hầu hết chuối có buồng bị gãy, đổ mất trắng, không khắc phục được”.
** Thống kê ban đầu của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình cho biết: Bão số 8 đã gây mưa to kèm theo gió giật mạnh cấp 11, cấp 12 làm bật gốc nhiều cây xanh, cột điện, nhiều mái tôn, cửa kính của nhà dân và công trình công cộng bị thổi bay; một số tuyến đường tại thành phố Thái Bình hiện còn ngập nước, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn…
Mưa bão cũng khiến gần 30.000 ha cây vụ đông và rau màu ở Thái Bình bị hư hỏng nặng. Riêng tại huyện Tiền Hải có một số thuyền nhỏ bị sóng đánh chìm. Đến sáng 29/10, ở Thái Bình còn trên 7.000 ha lúa mùa chưa kịp thu hoạch.
Tỉnh Thái Bình đang khẩn trương chỉ đạo các địa phương cùng ngành chức năng tập trung xử lý, khắc phục các sự cố sau mưa bão, đồng thời duy trì lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng để xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.
** Sau khi ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương ven biển ở miền Bắc, đến sáng 29/10, bão số 8 đã suy yếu thành vùng áp thấp nhiệt đới trên vùng biển tỉnh Quảng Ninh. Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương lưu ý, mặc dù bão đã suy yếu nhưng hoàn lưu bão vẫn tiếp tục gây mưa lớn ở một số địa phương trung du đồng bằng Bắc Bộ.
** Ngày 29/10, các đoàn công tác của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ đến Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão số 8. Ông Đoàn Văn Thái, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: “Trung ương Hội đã chuẩn bị một lượng hàng cứu trợ và tiền, cụ thể là 7.500 thùng hàng gia đình, 5.000 chăn len, 5.000 phần quà bao gồm lương khô, mì tôm, nước uống và một số vận dụng khác. Tổng trị giá hàng chuẩn bị cứu trợ các tỉnh ước tính khoảng 4 tỷ đồng”./.