Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, từ đêm qua đến sáng nay (8/10), trên địa bàn các tỉnh miền Trung có mưa vừa đến mưa to, một số nơi ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi lượng mưa từ 70 - 80mm. Các địa phương ở miền Trung đang tập trung khắc phục hậu quả do bão số 7 gây ra và triển khai phương án đối phó với diễn biến thất thường của thời tiết.
Theo báo cáo của Trung tâm phòng chống lụt bão khu vực Miền Trung- Tây Nguyên, bão số 7 và áp thấp nhiệt đới tại các tỉnh miền Trung đã làm 1 người mất tích, 1 người bị thương; hàng trăm héc-ta lúa và hoa màu bị ngập úng, hư hại; một số tuyến giao thông ở các huyện miền núi bị sạt lở, hư hỏng.
Tại tỉnh Phú Yên, mưa lớn gây sạt lở nhiều đoạn trên tuyến đường ĐT 647, thuộc xã Phước Tân. Đèo Trà Kê thuộc xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa bị sạt lở nặng. Một số tuyến tỉnh lộ, cầu cống bị sạt lở hàng ngàn mét khối đất đá. Ông Đoàn Ngọc Khánh, Trưởng phòng Hạ tầng giao thông, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Yên cho biết: Trong ngày hôm qua và sáng nay, ngành giao thông vận tải tỉnh Phú Yên huy động nhân lực, phương tiện, tập trung khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại.
Hiện nay, các hồ chứa lớn ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên vẫn đảm bảo an toàn, một số hồ đạt 70 - 80% dung tích thiết kế. Công trình Thủy điện Sông Ba Hạ, tỉnh Phú Yên đang xả lũ với lưu lượng 3.300 m3/s. Trong khi đó, ông Phan Thanh Tiến, Phó Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết: 50 chiến sĩ bộ đội biên phòng tỉnh cùng lực lượng tại chỗ của huyện Nam Trà My đang tập trung tìm kiếm thi thể anh Đoàn Phước Huệ, 31 tuổi ở xã Tam Thành, huyện Phú Ninh bị lũ cuốn mất tích hồi 14h ngày 6/10 tại khu vực sông Tranh, xã Trà Mai.
** Phóng viên Thế Thắng, thường trú Tây Nguyên đưa tin: Tại Đắk Lắk, do ảnh hưởng bão số 7 đã có mưa lũ, ngập úng ở một số tiểu vùng gây thiệt hại đáng kể. Hiện tại, chính quyền địa phương, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các cấp, cùng các lực lượng chức năng đang tập trung triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả sau mưa lũ.
Ea Súp là huyện bị thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa bão này, với 490 nhà bị ngập từ 0,2 - 1,5 m; gần 1.800 ha cây cây trồng, chủ yếu là lúa và ngô trong giai đoạn thu hoạch bị ngập sâu, ước thiệt hại gần 50% sản lượng. Ngoài ra gần 20 km đường giao thông bị ngập và hư hỏng; 12 ha ao cá bị mất hoàn toàn… tổng thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng. Hiện tại vẫn còn một số diện tích của 2 xã Ia Rvê và Ia Lốp vẫn còn bị ngập, các lực lượng tại chỗ đang tập trung khắc phục những hậu quả sau mưa lũ.
Ông Nguyễn Ngọc Phú, Phó Trưởng ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Ea Súp cho biết: “Lũ năm nay so với trước thì không bằng, nhưng mức độ thiệt hại lớn hơn, vì hầu hết diện tích trong giai đoạn sắp thu hoạch. Hiện nay, Ban Chỉ huy đang cùng lực lượng tại chỗ các xã đang tập trung khắc phục, nhất là cơ sở hạ tầng, để nhân dân có điều kiện đi lại thuận lợi và hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất vụ tới”.
Còn tại huyện Ea Hleo, đã có một người chết khi rơi xuống suối, đó là chị Nguyễn Thị Ánh Trầm, 18 tuổi, trú tại tổ dân phố 4, thị trấn Ea Drăng. Nhưng theo ông Y Manh Adrơng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ea H’leo thì đây là tai nạn ngẫu nhiên. Chiều 6/10, khi chị Ánh qua cầu tạm ở suối Ea Va thì trượt chân rơi xuống. Suối không có lũ, nhưng nước chảy siết nên nạn nhân bị cuốn trôi. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia đình người bị nạn 2 triệu đồng.
Hiện tại, các cơ quan chức năng ở Đắk Lắk vẫn tiếp tục kiểm tra, rà soát các thiệt hại do mưa bão gây ra để có biện pháp khắc phục./.