Tại Hải Phòng, từ chiều 23/7, các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố chủ động các phương án PCLB với tinh thần cao nhất. Quận Đồ Sơn đã có 400/420 tàu thuyền về nơi tránh trú bão an toàn, còn 20 tàu thuyền hoạt động ven bờ đang được lực lượng biên phòng kêu gọi, yêu cầu đưa phương tiện vào bờ trong thời gian sớm nhất.
Tại huyện Bạch Long Vỹ, đến 17 giờ ngày 23/7, có 64 tàu, thuyền vào đất liền tránh trú bão an toàn; đưa lên bờ hơn 300 thuyền nan, xuồng máy. Các cơ quan, đơn vị, nhà dân được chằng chống, neo buộc cẩn thận. Huyện chủ động lực lượng, ứng trực 24/24 sẵn sàng ứng phó với bão. Huyện Cát Hải ưu tiên kêu gọi tàu thuyền của địa phương và các đơn vị, địa phương bạn đang hoạt động trên vùng biển Cát Bà về nơi tránh trú bão an toàn; di chuyển lồng bè ở các khu vực nguy hiểm về các vịnh neo đậu.
Các địa phương khác trên địa bàn (như thị xã thị trấn ven biển Cát Bà, Cát Hải, Văn Phong, Hoàng Châu, huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, cảng hải Phòng…) cũng chủ động chạy đua với thời gian trong công tác ứng phó với bão số 4.
Từ sáng ngày 23/7, Thường trực Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Thái Bình đã thành lập các đoàn trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác chống bão. Bộ đội Biên Phòng tỉnh đã phối hợp với các huyện ven biển kêu gọi 1.426 tàu, thuyền, với 3.085 lao động có phương án tránh trú bão an toàn.
Ban Chỉ huy PCLB tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCLB các cấp, ngành khẩn trương kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển khẩn trương về nơi tránh, trú bão an toàn; nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học…; kiểm tra, rà soát, bổ sung phương án sơ tán dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm trên các đầm, chòi canh, nuôi trồng thủy sản ở từng địa phương, từng huyện để chủ động sơ tán dân khi có lệnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu các ngành, địa phương phải tổ chức kiểm tra, đôn đốc giải phóng dòng chảy ở các sông cấp III, đồng thời mở hết các cống tiêu, tiêu nước triệt để, kể cả trên mặt ruộng để bảo vệ các ruộng lúa khỏi ngập úng. Đối với các tàu thuyền hiện không có mặt tại địa phương phải tổ chức liên hệ kêu gọi về nơi trú ẩn, nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi từ chiều ngày 23/7.
Tính đến 17 giờ ngày 23/7, trong tổng số 8.567 tàu thuyền (28.490 lao động) của Thanh Hóa khai thác hải sản trên biển đã có 8.552 phương tiện (28.367 lao động) đã trú đậu an toàn ở các bến trong tỉnh và các địa phương như Bạch Long Vĩ, Cát Bà (Hải Phòng), Cô Tô (Quảng Ninh), Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Đến thời điểm nêu trên, toàn tỉnh còn 15 phương tiện (123 lao động) đang trên đường về nơi trú ẩn. Số này vẫn giữ lien lạc với gia đình và địa phương.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có 194 phương tiện tàu thuyền với gần 1.200 lao động vào trú tránh tại các cảng cá, âu thuyền kín gió, trong số này có 13 phương tiện của ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Bình Định.
Tỉnh Quảng Nam còn 450 tàu với 4.300 lao động đang đánh bắt trên các vùng biển gần bờ và xa bờ, trong đó chủ yếu là ở vùng biển Trường Sa. Tất cả các tàu cá đều đã nhận được thông tin về đường đi của bão số 4.
Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi, đến 15 giờ ngày 23/7, Quảng Ngãi có 1.809 phương tiện với 11.219 lao động hoạt động trên biển.
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp với các gia đình sử dụng máy ICOM cộng đồng tại các địa phương thường xuyên thông báo diễn biến tình hình cơn bão số 4, đồng thời duy trì thông tin liên lạc với tất cả các tàu thuyền đang hoạt động trên biển để chủ động phòng tránh bão,
Hiện hầu hết ngư dân các tỉnh miền Trung đã nhận được thông tin đường đi của bão số 4 để chủ động phòng tránh.