|
Những thành phố phải gánh chịu các thảm họa tự nhiên ngày càng gia tăng và khốc liệt (Ảnh: Xinhua) |
Hiện, hơn một nửa trong số 7 tỷ dân số của thế giới sinh sống tại các thành phố. Theo Liên hợp quốc, trong giai đoạn từ nay đến năm 2050, tỷ lệ này được dự báo sẽ lên tới 70%, tương đương khoảng 6,4 tỷ người.
Chính vì vậy, theo như các nhà khoa học đã lưu ý, các thành phố sẽ phải chịu gánh nặng từ sự tác động của tình trạng nóng lên toàn cầu.
Chuyên gia về vấn đề khí hậu của Viện nghiên cứu không gian Goddard (Nasa) - bà Cynthia Rosenzweig cho biết: “Các thành phố và dân cư đô thị là đối tượng đầu tiên có liên quan tới các nguyên nhân và hiệu ứng của hiện tượng nóng lên toàn cầu”.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2100, làn sóng khí hậu nóng, hạn hán, bão lốc và lũ lụt sẽ xảy ra ngày càng thường xuyên hơn và có cường độ mạnh hơn. Các thành phố nằm trong khu vực đồng bằng châu thổ hoặc dọc theo bờ biển sẽ phải đối mặt với nguy cơ mực nước biển dâng cao vốn đe dọa trực tiếp tới nơi cư trú và khả năng tiếp cận với nguồn nước cũng như mạng lưới vận tải và năng lượng.
Vào mùa hè năm 2003, một trong những mùa hè nóng chưa từng có, làn sóng khí hậu nóng đã khiến 35.000 người tử vong tại châu Âu. Tuy vậy, rất nhiều nhà khí tượng lại dự báo rằng, trong giai đoạn từ nay đến năm 2040, nhiệt độ trung bình sẽ vượt quá kỷ lục khắc nghiệt đã từng được ghi nhận vào mùa hè năm 2003.
Theo ông Alex de Sherbinin, chuyên gia của Viện Trái đất thuộc Đại học Columbia, ở New York (Mỹ), các thành phố thường có nhiệt độ cao hơn từ 4-6 độ C so với các khu vực nông thôn. Sự chênh lệch nhiệt độ này là do hiện tượng khúc xạ của ánh sáng mặt trời trên các mặt đường nhựa hoàn toàn không có cây xanh tại các phố phường, các tòa nhà cao tầng san sát cản trở luồng không khí lưu thông và lượng khí nóng thoát ra từ các hệ thống điều hòa không khí của các tòa nhà.
Trước những thách thức ngày một khó khăn này, nhiều thành phố đã bước đầu tiến hành một số biện pháp như: Sơn các mái nhà màu trắng để phản chiếu ánh sáng mặt trời, các vỉa hè xốp để nước mưa có thể dễ dàng chảy xuống cống, tăng cường trồng cây xanh và mở rộng diện tích công viên để giảm sức nóng và ô nhiễm…
Đối với các thành phố đang phát triển, đặc biệt cần chú trọng tới các biện pháp dự phòng ô nhiễm, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó, cần quan tâm xây dựng các kế hoạch phát triển đô thị có tính đến mật độ dân số ngày càng tăng nhanh, nhu cầu sử dụng năng lượng và mạng lưới giao thông vận tải, tránh tốn kém khi phải tiến hành điều chỉnh sau đó./.