Trên sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông nước mặn có độ mặn 0,4‰ (gây hại cho cây trồng) xâm nhập sâu 50km, đến thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang); xã Tân Thạch (huyện Châu Thành), Mỹ Hòa (huyện Ba Tri) của tỉnh Bến Tre. Cũng tại 3 sông trên, nước mặn có độ mặn 0,1‰ xâm nhập sâu 70km.
Trên sông Cổ Chiên, Cung Hầu, nước mặn có độ mặn từ 0,4‰ trở lên xâm nhập sâu 55km đến xã Đức Mỹ (huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh). Nước mặn có độ mặn 0,1‰ xâm nhập sâu 70km đến xã Long Thới (huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) và xã Trung Thành Tây (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long).
Trên sông Định An, Trần Đề, nước mặn có độ mặn 0,4‰ xâm nhập sâu 60km đến xã An Phú Tân (huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) và xã Nhơn Mỹ (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng). Nước mặn có độ mặn 0,1‰ xâm nhập sâu 70km đến thị trấn Trà Ôn (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) và xã Phú Hữu (huyện Châu Thanh, tỉnh Hậu Giang).
Tại Cà Mau, trên sông Ông Đốc, Cái Lớn, nước mặn có độ mặn từ 4-29‰ xâm nhập sâu 65km đến thị trấn U Minh (huyện U Minh) và xã Hỏa Lựu (thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang). Nước mặn có độ mặn cao nhất (trên 29‰), xuất hiện trên cả hai sông trong khoảng thời gian từ ngày 21-25/3.
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nhận định, nước mặn sẽ tràn vào một số kênh đầu mối tại Đồng bằng sông Cửu Long làm ảnh hướng đến việc bơm nước vào ruộng trong quá trình cày ải gieo sạ lúa hè thu. Viện khuyến cáo các tỉnh chịu ảnh hưởng mặn cần chủ động bố trí mùa vụ, cây trồng, vật nuôi thích hợp nhằm giảm thiểu thiệt hại do nước mặn gây ra.
Đặc biệt, các tỉnh cần thường xuyên kiểm tra và đóng kín các cống đập khi nước lớn, vận động nông dân gia cố các tuyến đê bao lửng theo các tuyến kênh rạch, các sông nhằm ngăn nước mặn tràn vào ruộng để khi mưa xuống làm đất gieo sạ lúa hè thu kịp mùa vụ./.