Ngày 8/10, hơn 3.600 hộ với gần 12.000 người dân tỉnh Phú Yên đã phải di dời trước bão số 7 đã trở về nơi ở cũ. Chính quyền các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Tuy An... huy động lực lượng, tập trung khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất và lưu thông trên địa bàn.
Tại tỉnh Bình Định, mặc dù lũ trên các sông đang xuống, đề phòng tình huống xấu có thể xảy ra, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Ban quản lý, chủ 14 hồ chứa trên địa bàn không tích nước cho đến hết mùa mưa bão năm nay. Đây là số hồ thủy lợi có nguy cơ cao nhất trong số 30 hồ đã xuống cấp và hư hỏng nặng.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Định cho biết, trong toàn tỉnh hiện có 30 hồ đập đã xuống cấp cần phải sửa chữa. Tỉnh đã gia cố sửa chữa 16 hồ. Nếu lượng mưa bất thường và lụt lớn hơn khả năng nguy hiểm rất cao.
Đến nay, việc tìm kiếm thi thể anh Đoàn Phước Huệ, sinh năm 1982, quê ở huyện Phú Ninh, công nhân Công ty Thanh Quảng Trà bị nước lũ cuốn trôi vào chiều ngày 6/10 tại khu vực sông Tranh thuộc xã Trà Mai, huyện Nam Trà My vẫn đang tiếp diễn mặc dù gặp khó khăn về thời tiết, nước lũ chảy xiết.
Hôm nay (9/10), các lực lượng sẽ tiếp tục tìm kiếm trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2. Hiện, mực nước trên sông Tranh, sông Nước Là, sông Nước Bi, huyện Nam Trà My vẫn ở mức cao nhưng người dân và cả trẻ em ở các xã Trà Mai, Trà Tập, Trà Don lại mang lưới đi vớt cá, vớt gỗ trên sông tiềm ẩn nguy cơ bị lũ cuốn trôi.
Ông Lê Ngọc Kích, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo các xã cảnh báo người dân, trẻ em ra vớt cá, đánh cá. Nước lũ có thể về nhanh, không để thiệt hại về người như trường hợp đáng tiếc vừa qua. UBND huyện yêu cầu UBND các xã quán triệt cho bà con nhất là khu vực cửa sông, suối khi mưa lớn phải có cảnh báo ngay./.