Đê biển CLD từ nhiều năm qua được xem là công trình trọng điểm của huyện trong công tác phòng chống lụt bão, đồng thời, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Dự án đê biển CLD có chiều dài trên 22km với 7 cống ngăn mặn và 7 cây cầu giao thông nông thôn, được hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2002. Tuy nhiên, hiện nay tuyến đê đã xuống cấp, nhiều chỗ bị sạt lở nghiêm trọng, một số vị trí rạch còn bỏ ngỏ… Do vậy, hàng năm vào tháng 9 đến tháng 11, nước lũ từ thượng nguồn đổ về kết hợp với triều cường đã làm cho những tuyến đê, bờ bao CLD sạt lở. Trung bình mỗi năm có khoảng 60 đoạn bờ bao, đê bao bị vỡ, gây thiệt hại không nhỏ đến cây trồng và thủy sản của người dân.
Ông Quách Văn Nam, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, việc đầu tư xây dựng và củng cố, nâng cấp đê biển CLD là rất cần thiết và thực sự cấp bách cần trước yêu cầu và nhiệm vụ phòng tránh thiên tai. Tổng kinh phí để thực hiện dự án nâng cấp đê biển ứng phó với biến đổi khí hậu tại huyện CLD trên 190 tỷ đồng. Dựa trên những thuận lợi và khó khăn trong công tác đền bù giải phóng đất, Sở đã chọn phương án bơm cát làm lõi để trình cấp thẩm quyền phê duyệt, vì thời gian thi công nhanh, tính ổn định của công trình lâu dài, diện tích đất đền bù ít hơn.
Trước những diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường của thời tiết trong mùa mưa bão và hướng đến khả năng thích ứng với những biến đổi của khí hậu cùng nước biển dâng trong tương lai, một dự án mang tính chiến lược như dự án nâng cấp đê biển CLD nên được xem xét và triển khai nhanh chóng. Công trình này nếu được thi công, không chỉ giúp hoàn thiện khép kín hệ thống đê biển để phòng tránh tác động bất lợi từ biển, bảo vệ và phát triển bền vững dân sinh kinh tế ven biển mà còn góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh và môi trường vùng ven biển./.