Theo ước tính, trong 40 năm tới, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ phải đầu tư 40 tỷ USD mỗi năm để khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu.
Ông Lô-ha-ni cho biết, sau trận lũ lụt gây hậu quả nghiêm trọng tại Thái Lan năm 2011, trong tương lai những thảm họa có quy mô tương tự sẽ xảy ra thường xuyên hơn và sẽ gây khó khăn hơn cho nỗ lực phát triển kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mặt khác, do kinh tế khu vực ngày càng lệ thuộc vào mạng lưới giao thông vận tải nên khi thiên tai xảy ra sẽ gây hậu quả trên diện rộng.
Thứ trưởng Bộ Môi trường Thái Lan Pô-ca-man nhấn mạnh, lũ lụt vừa qua tại Thái Lan là dấu hiệu báo động mạnh mẽ cho thấy sự cần thiết phải phản ứng khẩn cấp, nếu chậm trễ, mọi cố gắng phát triển kinh tế sẽ bị vô hiệu và đời sống con người sẽ bị đe dọa nghiêm trọng..
ADB cũng đưa ra cảnh báo, thời tiết khắc nghiệt kết hợp với tình trạng biến đổi khí hậu sẽ khiến thêm hàng triệu người ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải di cư trong những năm sắp tới. Theo một báo cáo của ADB, trong 2 năm qua hơn 42 triệu người trong khu vực đã bị thất tán vì các thảm họa môi trường. Bản báo cáo kêu gọi các Chính phủ củng cố cơ sở hạ tầng tại các thành phố lớn, cải thiện các chương trình phòng chống thảm họa và bảo vệ tốt hơn những người di cư, vốn đã phải bỏ nhà cửa vì thiên tai. Một giới chức cấp cao phụ trách về vấn đề phát triển của ADB cho rằng, các quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần phải trải qua một sự “thay đổi toàn diện” nếu muốn đối phó với các thách thức do vấn đề biến đổi khí hậu gây ra. Các nguồn lực hiện có để làm đường, hệ thống cống thoát nước, cầu và các đường ống dẫn xả lũ là hoàn toàn thiếu thốn. Ngoài ra, vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng hiện cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình hình suy thoái kinh tế trên thế giới.
Theo đánh giá của Liên hợp quốc, trong năm 2011, các thảm họa thiên nhiên đã gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới 380 tỷ USD, một con số thiệt hại kỷ lục từ các trận động đất, lụt lội và các thảm họa thiên nhiên khác. Cũng theo đánh giá của các chuyên gia Liên hợp quốc, gần một nửa trong số 7 tỷ người trên trái đất sống ở các khu vực có nguy cơ thảm họa thiên nhiên cao. Mối nguy cơ đang tăng lên do sự biến đổi khí hậu, tài nguyên thiên nhiên suy cạn, phương cách sử dụng đất đai kém hiệu quả cũng như các vấn đề môi trường ngày càng trầm trọng.