Ông Nguyễn Minh Loan - cán bộ phụ trách công tác thuỷ nông xã Vụ Bổn cho biết, ông đã sinh sống ở đây 32 năm, nhưng chưa năm nào hạn hán diễn ra giữa mùa mưa khốc liệt như năm nay. Lúc đầu bà con còn vét nước hồ, thậm chí dùng máy bơm hút nước giếng sinh hoạt đưa ra đồng để cứu lúa nhưng trời vẫn không mưa, nước cũng cạn kiệt.
Ông Y Thi Niê - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Krông Pách cho biết: Vụ hè thu này, toàn huyện gieo cấy 18.300 ha lúa và ngô. Đây là vụ sản xuất chính trong năm của bà con nông dân. Ngoài một số xã như Hoà Đông, Ea Kênh, Krông Puk, Ea Phê còn lại các xã khác đều bị thiệt hại nặng nề do hạn hán. 2/3 diện tích cây trồng bị sẽ giảm từ 30 đến 50% năng suất, trong đó có trên 4.640 ha lúa và ngô mất trắng hoàn toàn.
Chư Pui là xã vùng 3 vùng đặc biệt khó khăn ở huyện Krông Bông. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước mà mấy năm gần đây, đời sống của bà con dân tộc thiểu số ở đã có những đổi thay đáng mừng. Bà con đã biết trồng ngô lai để phát triển kinh tế. Nhà ít thì trồng 1ha, mỗi vụ thu xấp xỉ 7 tấn ngô hạt. Nhà nhiều thì trồng 4 đến 5 ha, mỗi vụ thu trên 100 triệu đồng.
Ông Y Lin Niê - Phó Chủ tịch UBND xã Chư Pui đưa chúng tôi ra cánh đồng ngô lai của buôn M’Lắc rộng hàng trăm ha, trải dài từ dưới thung lũng lên tận đỉnh đồi. Cây ngô đã đến kỳ ra trái, nhưng teo tóp và xơ xác.
Toàn xã Chư Pui trồng 1.350 ha ngô lai thì 1300 ha đã mất trắng. Nhiều gia đình vừa thoát được nghèo, nay lại đối mặt với nợ nần, thiếu đói.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Krông Bông Phạm Phú Thiên cho biết: Toàn huyện Krông Bông đã có 8.000ha lúa và ngô mất trắng vì hạn. Chỉ tính riêng tiền giống, vật tư phân bón mà nông dân đã đầu tư xuống ruộng lên đến gần 80 tỷ đồng.
Khí hậu, thời tiết Tây Nguyên đã có những biến đổi bất thường đang ngày càng khiến cuộc cống của người dân thêm khó khăn./.