Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long - Roãn Ngọc Chiến, kết quả khảo sát gần đây phát hiện trên địa bàn tỉnh hiện có 18 khu vực sạt lở nghiêm trọng. Tập trung nhiều nhất tại các xã cù lao An Bình (huyện Long Hồ), xã Thanh Bình, Qưới Thiện (huyện Vũng Liêm). Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Sở Khoa học – Công nghệ tìm nguyên nhân gây sạt lở trên địa bàn để có phương án khắc phục; đồng thời tham mưu UBND tỉnh thành lập các đoàn liên ngành, tăng cường kiểm tra đột xuất để chấn chỉnh tình trạng khai thác cát lậu, khai thác không đúng nơi quy định cũng như giờ khai thác.
Trước đó, sáng 16/7, Huyện ủy, UBND huyện Bình Tân đã đến xã Thành Lợi – một trong những địa phương nằm cặp sông Hậu của tỉnh Vĩnh Long, có nhiều điểm bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng để kiểm tra tình hình sạt lở. Tại kênh Hai Quý (ấp Thành Phú), mới bị sạt lở thêm 1 đoạn dài trên 50m, ăn sâu vào đất liền, gây khó khăn cho việc đi lại, sinh hoạt của nhiều hộ dân trong mùa mưa lũ sắp tới. Tại đây, Chủ tịch UBND huyện Bình Tân - Lê Văn Thuận, yêu cầu địa phương và ngành chức năng khẩn trương thống kê mức độ sạt lở, các hộ dân nằm trong vùng sạt lở và khả năng sạt lở thời gian tới, kịp thời báo cáo về tỉnh; đồng thời, vận động những hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở di dời nhà cửa đến nơi ở an toàn trước mùa mưa lũ.
Nông dân khốn khó
Tại tỉnh Sóc Trăng, hàng trăm hộ dân sống trên các cồn nằm giữa sông Hậu thuộc xã An Lạc Tây và Phong Nẫm (huyện Kế Sách) đang bức xúc, ký tên vào đơn phản ứng chuyện ngành chức năng cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát tại khu vực từng xảy ra sạt lở nghiêm trọng.
Khảo sát thực tế khu vực đầu cồn, thuộc ấp An Tấn, xã An Lạc Tây, cho thấy: tình trạng sạt lỡ đang diễn ra rất đáng lo ngại. Tại khoảnh đất ở đầu cồn đang bị sạt lở nham nhở, ông Lê Văn Phăng (chủ đất), kể về sự thiệt hại vì sạt lở, ông Phăng, nghẹn ngà “Tích cóp dành dụm bao năm mới được chút tiền mua lại phần đất này để nuôi cá tra. Thấy bà con mua thân cây dừa lão, cặm xuống, tôi cũng làm theo. Hai tháng trời lặn ngụp, tổng cộng hơn 300 triệu đồng mới được cái kè nhưng rồi chỉ được hơn một tháng... Tất cả đều… theo hà bá!”. Đứng trên mấy mõm đất của bờ đê với còn sót lại, chuẩn bị sụp xuống sông, ông Dũng – người bạn góp vốn nuôi cá cùng ông Phăng, chỉ xuống hai cái ao với tổng diện tích mặt nước gần 1ha, rồi lại chỉ mấy chiếc xáng khai thác cát bần đó, mếu máo kể lể: “Lúc bờ bao bị lở, cá mới thả được 2 tháng. Tiền đầu tư cho hai ao này tốn 400 triệu đồng, giờ đành bỏ hoang… Hôm đê mới bị lở, anh em động viên nhau khi nào có tiền khá khá hơn, đầu tư làm kè cho thật chắc chắn. Nay thấy mấy chiếc xáng kéo tới cạp ngày, cạp đêm đằng kia, ý nghĩ này coi như bị phá sản. Giờ phải lo gia cố để bảo vệ mấy ao liền kề, chứ để bể bờ bao lần nữa coi như trắng tay!”. Lão nông Đặng Văn Thăng, có “thâm niên” gần 60 năm sinh sống ở cồn này, quả quyết: “Với tốc độ sạt lở kiểu như vầy, nếu ngành chức năng không kịp can thiệp, chỉ vài năm nữa thôi là “banh” cái cồn này!”.
|
Người dân Kế Sách (Sóc Trăng) đối mặt với những vụ sạt lở gây thiệt hại nặng nề |
Cần hỗ trợ từ trung ương
Chính quyền các địa phương hiện rất đau đầu vì số điểm sạt lở ngày càng tăng, trong khi địa điểm để an dân thì có hạn. Chẳng hạn như tại Đồng Tháp – địa phương có điểm sạt lở nhiều nhất nhì ĐBSCL, hiện số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy trên địa bàn tỉnh vẫn còn hơn 1.200 hộ dân sống trong vành đai vùng sạt lở chưa di dời đến nơi an toàn, tập trung ở 3 huyện Châu Thành, Thanh Bình và Hồng Ngự. Hiện công tác di dời dân vùng bị sạt lở của các địa phương trong tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn do quỹ đất không còn. Còn cụm tuyến dân cư không đủ nền để bố trí. Trong khi đó, hầu hết hộ dân sống trong vùng bị sạt lở là hộ nghèo, không có đất, điều kiện di dời cũng hết sức khó khăn. Các công trình cấp bách khắc phục sạt lở bờ sông của nhà nước chỉ mới triển khai đầu tư, chưa thể di dời dân đến được. Ban chỉ huy PCLB của tỉnh này còn cho biết trong 9 tháng trở lại đây, khoảng 100 điểm tại các dãy đất ven sông Tiền, sông Hậu (thuộc địa phận của tỉnh) đã bị sạt lở nghiêm trọng, hơn 45ha đất đã bị nước cuốn trôi và khoảng 550 hộ dân đã phải di dời gấp. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có văn bản kiến nghị các bộ, ngành liên quan hỗ trợ địa phương xây dựng 5 cụm, tuyến dân cư với kinh phí ước trên 330 tỉ đồng để di dời khẩn cấp 1.200 hộ dân có nhà ở những vùng sạt lở.
Ở An Giang, trong vòng chưa đầy một tuần cuối tháng 5/2012 đã có 3 điểm sạt lở nguy hiểm xuất hiện ven sông Tiền và sông Hậu (thuộc các huyện Chợ Mới, Phú Tân và TP. Long Xuyên), kéo hàng chục căn nhà của người dân đổ ụp xuống sông, đến mức chính quyền phải ban bố tình trạng khẩn cấp...