Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn Ảnh VGP/Minh Hùng |
Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn: Trong những năm vừa qua, LLVT quân khu V đã kề vai sát cánh với chính quyền, nhân nhân tổ chức nhiều biện pháp ứng phó, phòng tránh hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại tính mạng, tài sản của người dân
Về phối hợp với chính quyền địa phương khi có tình hình thiên tai bão lũ, như bão số 7 vừa rồi, Quân khu đã có điện chỉ đạo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp địa phương rà soát lại kế hoạch phòng chống bão lũ. Đồng thời tổ chức lực lượng trực 24/24, nghiên cứu các hồ, đập có nguy cơ sạt lở, di dời dân theo yêu cầu của địa phương, tổ chức chằng chống nhà cửa, sơ tán dân. Bên cạnh đó, Quân khu đã tổ chức lực lượng đi xuống các vùng trọng điểm, như trong bão số 7 vừa rồi, chúng tôi đã tổ chức 2 đơn vị hành quân cơ động xuống Bình Định, Quảng Nam để ém quân trước, tất nhiên phương châm “4 tại chỗ” vẫn là chủ yếu, đặc biệt là đối với lực lượng thường trực tại chỗ, là các trung đội dân quân, đóng vai trò rất quan trọng.
Quân khu cũng đã tổ chức tổ chức 2 sở chỉ huy ở Bình Định và Núi Thành để phòng bão vào địa phương nào thì có sở chỉ huy trực tiếp các lực lượng ở đó, trực tiếp phối hợp địa phương để ứng phó với bão và lũ lụt.
BTV: Hiện tại, các tỉnh duyên hải Miền Trung đang bước vào mùa mưa bão. An toàn lưới điện là vấn đề được chính quyền và nhân dân các địa phương đặc biệt quan tâm trong trong thời điểm này. Thưa ông Trần Văn Được, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN, ngành điện đã chú trọng đảm bảo an toàn lưới điện ra sao và chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng như thế nào để xử lý các sự cố về điện trong mùa mưa bão?
Ông Trần Văn Được - Ảnh VGP/Minh Hùng |
Ông Trần Văn Được: Hàng năm, Tổng giám đốc EVN đều ra chỉ thị về công tác phòng chống bão lụt vào đầu năm để các đơn vị trong Tập đoàn thực hiện. Chỉ thị đề cập đến 4 nội dung chính, về con người, về tổ chức thực hiện; về vật tư kỹ thuật; về phương châm lấy phòng chống làm chủ yếu; ứng phó với các tình huống bất ngờ… Theo đó, công tác đảm bảo an toàn lưới điện được theo phân cấp theo các tuyến 500kV, 220 kV, 110kV, trung hạ áp… Các tuyến từ 500kV đến 220 kV giao cho Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia, từ 220 kV đến trung áp giao cho Tổng Công ty điện lực 3 miền Bắc, Trung, Nam, lưới điện hạ áp giao cho các công ty điện lực tỉnh, thậm chí cho các chi nhánh cấp huyện.
Trong đó, lấy đề phòng là chính, trước mùa mưa bão, kiểm tra hệ thống xem có an toàn không, nếu không phải thay thế, đầu tư mới. Cùng với đó, lập các tổ thường trực với đường dây nóng, xây dựng nhiều phương án đối phó với mưa bão. Tinh thần là khi bão về phải ưu tiên cắt điện, trừ những đường dây ưu tiên, với mục tiêu đảm bảo an toàn tính mạng người dân là trên hết, khi trở lại an toàn thì khôi phục; các đội trực 24/24 phải thông báo cho chính quyền địa phương.
BTV: Qua tìm hiểu thực tế thì hiện nay, ở một số vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, miền núi, hệ thống lưới điện tại một số địa phương vẫn chưa được đảm bảo an toàn. Cụ thể như cách đây không lâu, trong các chương trình thời sự của VTV Đà Nẵng, phóng viên đã có phóng sự phản ánh về tình trạng mất an toàn ở hệ thống lưới điện nông thôn tại xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Theo nhiều người dân, thực tế này tiềm ẩn những rủi ro đe dọa đến tính mạng của chính họ, đặc biệt là khi có thiên tai, bão lũ xảy ra và việc ứng phó với thiên tai của người dân tại những khu vực nông thôn, miền núi cũng bị ảnh hưởng nhiều từ sự không an toàn của hệ thống lưới điện. Ông nghĩ sao về những ý kiến này ?
Ông Trần Văn Được: Theo chỉ đạo của Chính phủ, bắt đầu từ năm 2008, EVN phải tiếp nhận lưới điện nông thôn trong tổng số khoảng 5740 xã. Từ 2008 đến nay đã tiếp nhận được 4000 xã, còn khoảng 1740 xã tiếp nhận đến năm 2015. Song song với tiếp nhận, vốn kinh phí để cải tạo lưới điện này, EVN đã trình Chính phủ khoảng 18.000 tỷ đồng. EVN sẽ huy động tất cả các loại vốn, trong đó có cả vốn của các tổ chức thế giới như WB, ADB hay vốn tự có, vốn khấu hao tài sản của EVN để cải tạo. Mục tiêu cải tạo là rất lớn. Thứ nhất dứt khoát là đảm bảo an toàn. Thứ hai là giảm tổn thất điện năng. Hai mục tiêu này song song với nhau.
Ngay những đơn vị như BTV đề cập, ở Quảng Ngãi, xã đó, hiện rất nhiều lần công ty điện lực Quảng Ngãi đã yêu cầu tiếp nhận nhưng công ty cổ phần đó chưa bàn giao. Chúng tôi cũng rất mong không những ở xã đó, còn lại nhiều nơi họ cũng chưa muốn bàn giao, chưa hiểu lý do thực tế. Chúng tôi rất mong muốn, theo chấp hành chỉ đạo của Chính phủ thì phải bàn giao, để EVN bán điện đến từng hộ, đảm bảo an toàn, cũng như giảm tổn thất điện năng cho tập đoàn.
Nếu không bàn giao, từng hộ người dân cũng chịu thiệt thòi vì chủ trương của Chính phủ đã bán điện tới từng hộ với giá điện quy định, nhưng qua những công ty cổ phần như thế thì không được hưởng.
Chúng tôi cố gắng phấn đấu, hiện vốn lớn như thế, tất nhiên ngay cả những lưới điện đã tiếp thu, có những chỗ chưa cải tạo, nhưng chỉ đạo của Tổng giám đốc yêu cầu tất cả các tổng công ty điện lực cũng như công ty điện lực tỉnh phải kiểm tra, tùy theo mức độ mất an toàn phải đầu tư trước.
BTV: Trong các phương án đặt ra để ứng phó với thiên tai một cách hiệu quả thì phương châm “4 tại chỗ” , tức là chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư – phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ được đánh giá là chủ động nhất. Thưa ông Nguyễn Ngọc Quang, phương châm này đã được tỉnh Quảng Nam vận dụng triển khai như thế nào?
Ông Nguyễn Ngọc Quang: Trước hết phương châm này là sự tổng kết kinh nghiệm nhiều năm, trên cơ sở chúng tôi rà soát các phương án phòng chống lụt bão, thực hiện chính là đi kiểm tra. Đầu tháng 8/2012 chúng tôi đã kiểm tra hết các địa phương.
Năm 2012, chúng tôi đã kiểm tra các hồ chứa, hồ thủy điện đánh giá độ an toàn, có biện pháp ứng phó kịp thời; đánh giá vật tư, lực lượng tại chỗ. Chẳng hạn chúng ta thành lập lực lượng xung kích, như đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn có nói, là các trung đội dân quân thì chúng tôi cũng phải kiểm tra xem khả năng sẵn sàng chiến đấu, rồi kiểm tra những nơi dự kiến sơ tán dân kể cả tập trung và phân tán…
Thứ hai, là công tác chỉ huy tại chỗ thì ngoài trực chỉ huy thì cần phải đảm bảo hệ thống thông tin thông suốt từ trung ương xuống, tỉnh, các huyện, xã, cho phép chúng ta chủ động ứng phó kịp thời.
Thứ ba là hệ thống quan trắc, cảnh báo, mỗi năm từ kinh phí địa phương, trung ương thì chúng tôi bổ sung lắp đặt thêm hệ thống đo mưa, yêu cầu các công ty thủy điện lắp đặt camera giám sát hồ chứa để cung cấp thông tin trong chỉ đạo điều hành tốt hơn.
BTV: Đối với các tỉnh thành khu vực miền Trung- Tây Nguyên, đi đôi với công tác phòng chống bão lụt, thì việc quản lý, bảo vệ, điều tiết các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trong khu vực này là nhiệm vụ hết sức quan trọng và nặng nề của các địa phương và các ngành có liên quan. Như vừa qua, cũng đã xảy ra sự cố ở Thủy điện Đakrông 3. Thưa ông Trần Văn Được, EVN lưu tâm như thế nào?
Ông Trần Văn Được: Về sự cố Đakrông 3, tôi cũng đã nhận được thông tin từ báo chí. Điều này đặt ra vấn đề phòng chống bão lũ khi đang xây dựng công trình thủy điện. Việc xây dựng có thể kéo dài mà công tác “vượt lũ” có những giai đoạn rất quan trọng, không chỉ an toàn cho xây dựng công trình mà còn cho người dân hạ du. Đập Đakrông 3 đang trong quá trình xây dựng và những người làm thủy điện đều biết rõ yêu cầu chống lũ lụt khi xây dựng công trình. EVN luôn đề cao công tác “vượt lũ” khi xây dựng công trình.
Thủy điện Đăkrông 3 chưa đưa vào vận hành, tôi không rõ đã có quy trình vận hành chưa, nhưng nhiều khả năng mới chỉ có quy trình vận hành tạm thời.
Với các hồ chứa thủy điện, thủy lợi đã vận hành, phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành đã được cấp trên ban hành, mà với các thủy điện của EVN là do Bộ Công Thương ban hành. Với các hệ thống sông có đập, phải xây dựng quy trình liên hồ chứa, quy trình này phức tạp hơn và được Chính phủ phê duyệt. Chúng tôi phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình này, với kế hoạch về tổ chức, con người, về vật tư… Đặc biệt, trước mùa mưa lũ phải thử xong các cửa van xả tràn, xả sâu, lập thành biên bản để báo cáo…
Hệ thống Vu Gia - Thu Bồn có 3 công trình thủy điện là Đăk Mi 4, Sông Tranh 2 và A Vương, EVN đã đưa vào vận hành các thủy điện A Vương và Sông Tranh 2, còn thủy điện Đăk Mi 4 do đơn vị khác đầu tư. Quy trình vận hành liên hồ chứa trên hệ thống sông này đã được Chính phủ phê duyệt và chúng tôi phải tuân thủ. Từng người chỉ huy (vì đây là công trình cấp 3 nên trách nhiệm vận hành hồ chứa thuộc về Giám đốc các nhà máy) phải tuân thủ chặt chẽ chẽ thì sự phối hợp sẽ thành công.
BTV: Ông có bổ sung thêm điều gì cho công tác đảm bảo an toàn cho hồ chứa nước và đập Thủy điện Sông Tranh 2 không?
Thủy điện Sông Tranh 2 - Ảnh VGP/Minh Huệ |
Ông Trần Văn Được: Tôi xin bổ sung thêm, theo chỉ đạo của Chính phủ, để theo dõi tiếp tục hiện tượng động đất kích thích thích tại hồ chứa đập Thủy điện Sông Tranh 2, trong năm nay, không cho phép tích nước, có lũ về, đến cao trình cao nhất là 161 m cửa xả tràn.
Vừa rồi được Bộ Công Thương cho phép, chúng tôi đã treo mở hết 6 cửa xả tràn. Thủy điện sông Tranh 2 được thiết kế lũ tần suất 0,5% ứng với lưu lượng xả qua tất cả 2 tổ máy và xả qua tràn tối đa là 9600m3/s. Khi thiết kế đã tính toán tới lũ kiểm tra 1/1000 năm. Với lũ này, công trình Thủy điện Sông Tranh 2 đã thoát được lũ là trên 14.400 m3/s.
Công tác năm nay trong thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, phải treo hết cửa van. Có nghĩa là dung tích hồ chứa trên 700 triệu m3. Vì vậy, dung tích hữu ích của Sông Tranh 2 là 520 triệu m3. Tất cả dung tích còn lại, dung tích phòng lũ, thường trước mùa mưa bão, trong sự chỉ đạo là tất cả các hồ thủy điện kể cả Sông Tranh đều phải đưa xuống mức nước chết, phát điện tối đa để đưa về mực nước chết để lấy dung tích phòng lũ đó.
Hiện Chính phủ chưa cho phép tích nước, tất cả các cửa xả mở hết, xin lưu ý bà con, không còn việc mở từng cửa xả để điều tiết lũ nữa. Tùy theo trong quy trình điều tiết liên hồ chứa cũng như trong quy trình điều tiết riêng hồ chứa Sông Tranh, bao giờ cũng tùy theo dự báo khí tượng thủy văn, tùy theo cơn lũ, đỉnh lũ, thời gian lũ về kéo dài hay không để đưa ra phương án mở cửa xả dần dần để đảm bảo hạ du ngập ít nhất.
Năm nay không còn việc điều tiết đó nữa. Hiện nay, qua cơn bão số 7 vừa rồi, mực nước mới lên 146m, theo sự chỉ đạo đó, chúng tôi vẫn phát điện liên tục 2 tổ máy để hạ nước xuống thấp nhất, để tiếp tục theo dõi hiện tượng động đất kích thích để trình Chính phủ.
Ngoài ra, khi lũ về, nước lên nhanh, đặc biệt, khu vực miền Trung rất dốc, lũ sẽ lên nhanh, có thể lên tới cao trình xả tràn, lúc đó, lũ về bao nhiêu, tháo cửa xả tràn hết.
Chúng tôi đã đề ra biện pháp, chỉ đạo công ty Thủy điện Sông Tranh phối hợp qua đường dây nóng với các đơn vị, địa phương đặc biệt là huyện Bắc Trà My, đối với 4 huyện nằm sau Thủy điện Sông Tranh, có đường đây nóng với ủy ban phòng chống bão lụt của tỉnh để thông báo kịp thời tình hình lũ, từ đó có phương án sơ tán dân…
BTV: Trong các phương án chủ động ứng phó với thiên tai không thể không tính đến phương án di dời dân ra khỏi vùng trọng yếu. Tỉnh Quảng Nam có tính đến phương án này cho người dân ở khu vực quanh Thủy điện Sông Tranh 2 và vùng hạ lưu Sông Thu Bồn trong mùa mưa bão năm nay?
Khắc phục sự cố lưới điện - Ảnh VGP/Minh Huệ |
Ông Nguyễn Ngọc Quang: Vấn đề Sông Tranh 2 không mới, bắt đầu từ sự cố thấm nước thân đập, sau đó động đất kích thích, rất nhiều cuộc họp, rất nhiều giấy mực đã bàn về vấn đề này. Trước hết chúng tôi vận động, tuyên truyền để nâng cao hiểu biết của người dân về động đất, để người dân khỏi hoang mang, để bình tĩnh phối hợp và có ứng xử phù hợp.
Thứ hai, trước mùa mưa bão, tỉnh cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã bàn và báo cáo, xin ý kiến của Thủ tướng là không tích nước trong mùa mưa bão, bảo đảm độ an toàn cao hơn.
Và như ông Trần Văn Được báo cáo là duy trì ở mực nước chết khoảng 140m, và trong bão số 7, mức nước hồ Thủy điện Sông Tranh 2 mới tăng thêm 6m và EVN đã báo cáo và được chỉ đạo là phát điện tối đa để hạ xuống mực nước chết. Tôi cho rằng ứng xử trong năm 2012 như vậy là an toàn, tuy vậy, với sự chỉ đạo của Quân khu V, tỉnh Quảng Nam cũng đã xây dựng phương án di dời dân trong tình huống vỡ đập Sông Tranh 2.
Trong yêu cầu của Chính phủ, Bộ Công Thương, có giao cho các Ban quản lý dự án thủy điện, trong đó có Sông Tranh 2 xây dựng phương án phòng chống lụt bão và có kịch bản trong trường hợp vỡ đập.
Chúng tôi đã thống kê 4 huyện Bắc Trà My, Nông Sơn, Tiên Phước, Hiệp Đức, có khoảng hơn 31.000 dân bị ảnh hưởng nếu vỡ đập trong đó Trà My 12.000 người, Hiệp Đức 13.000 người còn các huyện khác một vài nghìn.
Chúng tôi đã lên phương án sơ tán, có sự cố sẽ lên điểm cao cỡ 170m và các điểm cao đã được định vị, quy hoạch, và đường cơ động có cự ly là 1,2-2,2km, rất thuận lợi vì bám vào các trục đường chính. Thứ hai đã thông báo, thông tin cho người dân chuẩn bị cơ số tài sản gọn nhẹ nhất để khi có sự cố thì cơ động ngay. Nhưng theo ý kiến chủ quan của tôi, nguy cơ sự cố vỡ đập sẽ không xảy ra. Ngoài ra, tỉnh Quang Nam cùng EVN đã khảo sát tình hình động đất kích thích ở Bắc Trà My. Chúng tôi cũng đã thống kê thiệt hại về nhà cửa, kiến trúc do ảnh hưởng của động đất kích thích và đã báo cáo với EVN và Bộ Công Thương để xây dựng phương án hỗ trợ.
Ông Trần Văn Được: Xin cám ơn các ý kiến của người dân, tâm tư của người dân chúng tôi cũng cảm nhận được. Về vấn đề đập Sông Tranh 2 có an toàn không, với trách nhiệm là những người xây dựng, chúng tôi xin được giải thích rõ hơn quá trình xây dựng để bà con yên tâm.
Đập Sông Tranh 2 là đập bê tông trọng lực, thi công kiểu đầm lăn, đây không phải là công nghệ mới như một số chuyên gia nêu ra, được sử dụng từ những năm 1960 trên thế giới. Việc xây dựng đập được tiến hành theo một quy trình thiết kế, khảo sát và thi công hết sức chặt chẽ, áp dụng theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ và Châu Ấu.
Khi thiết kế, EVN đã thuê hãng tư vấn độc lập Nippon Koei của Nhật thẩm tra. Từ nghiên cứu tiền khả thi cho tới nghiên cứu khả thi, Công ty Tư vấn xây dựng điện lực 1 đã khoan hàng nghìn mũi để tìm địa điểm xây dựng thích hợp nhất.
Trước khi thi công theo công nghệ đầm lăn, việc cấp phối để tạo bê tông đã được thẩm định, thẩm tra. Trước hết làm mẫu bê tông trong phòng thí nghiệm, khi đủ tuổi 90 ngày, làm các thí nghiệm kéo, thí nghiệm cắt, từ đó công nhận cấp phối. Sau đó, mang cấp phối này ra thực nghiệm tại hiện trường, đợi đủ từ 90 đến 180 ngày thì tiếp tục khoan, mang mẫu về thí nghiệm, tính toán. Đây cũng không phải là thí nghiệm cuối cùng. Tới khi cả dây chuyền phục vụ thi công chạy liên tục 24 giờ, chúng tôi lại tiếp tục lấy mẫu để thí nghiệm, tính toán, đảm bảo đạt chất lượng, sau đó mới cho thi công.
Vừa rồi, có xảy ra hiện tượng thấm ở đập Sông Tranh 2. Đây không phải là nứt đập, mà nếu có xảy ra nứt thì công nghệ hiện tại trên thế giới cũng vẫn có thể xử lý được. Qua kiểm tra, chúng tôi thấy đây là hiện tượng rò nước qua khe nhiệt, do các tấm đồng chặn nước bị hư hỏng, qua xử lý thì lượng nước thấm đã về mức cho phép.
BTV: Được biết, huyện Bắc Trà My là một trong những huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, là địa phương cũng chịu nhiều ảnh hưởng của bão lũ. Để tìm hiểu thêm ý kiến của người dân xung quanh vấn đề ứng phó với thiên tai, với những tình huống xấu do thiên tai gây ra tại địa phương này, ngay tại thời điểm này, nhóm phóng viên chúng tôi đang có mặt tại một nhà dân ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Ông Nguyễn Xuân Đào, huyện Bắc Trà My: Như ở chỗ tôi và một số hộ dân, khi động đất thì có xảy ra nứt nhà cửa. Người dân chúng tôi cảm thấy không yên tâm, đặc biệt khi mùa mưa tới. Tôi đề nghị các cấp chính quyền có biện pháp phòng chống cũng như hỗ trợ người dân?
BTV: Thưa quý vị, để giải đáp thắc mắc về việc sửa chữa nhà cửa đang bị hư hỏng cũng như đảm bảo an toàn cho người dân khi đối mặt với động đất hoặc mưa lũ, chúng ta quay trở lại trường quay.
Liên quan đến vấn đề này, xin mời ông Nguyễn Ngọc Quang có thể nói rõ hơn về chính sách hỗ trợ như thế nào?
Ông Nguyễn Ngọc Quang: Có thể nói, đây là vấn đề mới, chúng tôi đã cùng với EVN đi khảo sát tại những nơi có hiện tượng nứt, hư hại do động đất kích thích thời gian vừa qua. Hiện nay, chúng tôi đã khảo sát hết các nơi và ghi nhận ý kiến bà con đã phản ánh. Trên cơ sở đó, về phía chính quyền địa phương, cũng như EVN đã cam kết hỗ trợ đầy đủ thiệt hại đó.
Báo chí cũng có đặt vấn đề đây là hỗ trợ hay đền bù?. Chúng tôi khẳng định rằng, trước hết hỗ trợ để người dân ổn định cuộc sống. Sau này, chúng ta cần có tính toán căn cơ, bài bản hơn. Chúng ta phải quy hoạch lại, sắp xếp lại, chứ không thể để nhà ở không theo quy hoạch như hiện nay, rồi việc xây dựng nhà cửa cũng cần có thiết kế mẫu, có quy định. Đấy là vấn đề chúng ta phải làm, phải bình tĩnh, không nôn nóng, hoảng loạn.
Ông Trần Văn Được bổ sung: Như ông Nguyễn Ngọc Quang nói, chúng tôi đang phối hợp chặt với chính quyền đặc biệt là chính quyền huyện, xã để thống kê hỗ trợ cho bà con. Về phương án hỗ trợ, sau khi đã được các cấp thẩm định phê duyệt rồi, bà con muốn tự làm hay là chính quyền huyện đứng ra thành lập một tổ đi làm hoặc như thế nào là do bà con đề xuất sau này.
Một khán giả ở số điện thoại 05113922… hỏi: Qua theo dõi chương trình, không chỉ các hộ dân ở Bắc Trà My mà cả một số hộ dân ở huyện Phước Sơn gần đó cũng bị ảnh hưởng nứt nhà do động đất, vậy họ có được hỗ trợ bồi thường không?
Ông Nguyễn Ngọc Quang: Ảnh hưởng nứt nhà ở Phước Sơn hay một số địa phương lân cận thì chúng tôi phải đi kiểm tra đánh giá xem ảnh hưởng do động đất hay nguyên nhân khác, nếu do động đất thì mọi thiệt hại của người dân sẽ được chính quyền địa phương tìm mọi cách hỗ trợ.
Một khán giả ở Tiền Giang số điện thoại 0733887… hỏi: EVN đã làm gì để giúp dân bị ảnh hưởng tại Sông Tranh 2 hay giúp người dân di dời phục vụ làm thủy điện có đời sống tốt hơn?
Ông Trần Văn Được: Trước khi làm thủy điện có 2 phần việc. Thứ nhất là quy hoạch tổng thể di dân tái định cư, với quy hoạch tổng thể này, chủ đầu tư đứng ra thuê đơn vị tư vấn, phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương để thực hiện quy hoạch này. Sau khi quy hoạch tổng thể được thông qua thì sẽ làm quy hoạch chi tiết, trong đó phối hợp chặt chẽ với bà con như nhà làm thế nào.
Cũng phải thú thực ở Quảng Nam những nơi EVN làm thủy điện thì địa hình đều dốc nên khi chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương để tìm đất tái định cư cho bà con cũng rất khó khăn, đặc biệt đất sản xuất. Chính vì thế để làm thì chúng tôi phải tuân thủ triệt để quy hoạch tổng thể. Với những gì phát sinh ở địa phương thì chúng tôi cùng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để làm. Những gì EVN giải quyết được thì chúng tôi sẽ xử lý, nếu vấn đề lớn hơn chúng tôi sẽ trình cấp phê duyệt quy hoạch tổng thể để giải quyết. Và hiện nay không chỉ ở Quảng Nam mà các dự án thủy điện khác chúng tôi vẫn tuân thủ theo quy trình này.
Phương châm Chính phủ chỉ đạo nơi ở mới của người dân phải tốt hơn nơi ở cũ, thường thì nhà cửa, trường học tốt hơn nhưng đất sản xuất thì chúng tôi đánh giá trong 5 năm chưa tốt hơn được, vì đất sản xuất cũ bà con đã canh tác lâu năm còn ở vùng mới thì cần phải canh tác, cải tạo từ đầu nên vẫn cần sự hỗ trợ, và chúng tôi vẫn hỗ trợ như hỗ trợ lương thực cho người dân. Đây là chính sách chúng tôi thực hiện đối với tất cả các dự án thủy điện.
Một người dân hỏi: Từ Nghệ An, xem phóng sự thấy Quân khu 5 đã triển khai quân ứng phó giúp dân rất nhanh trong bão số 7. Vậy xin hỏi Quân khu đã chuẩn bị giúp đỡ người dân vùng hạ du đập Thủy điện Sông Tranh 2 và vùng núi cao trong tình huống xấu như thế nào?
Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn: Như chúng tôi đã trao đổi, Quân khu 5 đã phối hợp với địa phương và các bộ, ngành xây dựng phương án chỗng mưa lũ. Năm 2012, chúng tôi đã xây dựng phương án mới và đã được Bộ Tư lệnh Quân khu phê duyệt, trong đó có công tác nghiên cứu các khu vực trọng điểm, các hồ đập… và bố trí lực lượng sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết. Phương châm là ngăn ngừa, phòng tránh là chính.
Về vùng núi và khu vực Thủy điện Sông Tranh 2, Bộ Tư lệnh Quân khu đã cử 2 đoàn khảo sát cụ thể. Các nhà khoa học, chính quyền và đơn vị thi công, giám sát đều khẳng định định đập an toàn, nhưng do động đất nhiều nên Bộ Tư lệnh vẫn xây dựng phương án ứng phó, đảm bảo đối phó với tình huống xấu nhất, mặc dù xác suất vỡ đập là rất nhỏ. Sự cố không xảy ra là điều hạnh phúc nhưng nếu có xảy ra thì cũng không bị động.
Tôi xin khẳng định là cấp ủy, chính quyền và lực lượng vũ trang luôn sát cánh với người dân trong mọi tình huống.
Với các đập khác trong vùng, cũng phải nghiên cứu các phương án ứng phó, lực lượng quân đội sẽ tham gia nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, phòng chống lụt bão, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.
BTV: Thưa ông Nguyễn Ngọc Quang, về phía chính quyền địa phương, để việc phối hợp , hiệp đồng với các LLVT, với các đơn vị, ban ngành và cả với người dân trong ứng phó với thiên tai được hiệu quả thì đâu là vấn đề cần được giải quyết?
Ông Nguyễn Ngọc Quang: Từ trước tới nay, việc căn bản nhất là xem xét lại kế hoạch hiệp đồng, tỉnh đã giao cho bộ chỉ huy quân sự tỉnh, trước mùa mưa bão phải có kế hoạch. Tất cả các lực lượng vũ trang trên địa bàn (3 lực lượng quan trọng trên địa bàn Quảng Nam là chủ lực, địa phương và dân quân tự vệ) đều được đưa vào cơ chế hiệp đồng và cơ chế hiệp đồng này được đưa vào 3 giai đoạn là trước, trong và sau mùa bão lụt. Kế hoạch này được phê duyệt một cách hết sức tỉ mỉ.
Trước khi bão lụt xảy ra, chủ động điều động lực lượng để thực hiện đúng phương châm. Trong khi xảy ra, những nơi được dự báo sẽ có ảnh hưởng đặc biệt như vùng trũng thấp, sạt lở do lũ quét, vùng các hồ đập thủy điện… đều có lực lượng cụ thể để ứng phó.
Thứ 2, vấn đề hệ thống thông tin chỉ đạo điều hành cần thông suốt, tập trung. Tôi cho rằng, lâu nay, chúng ta cũng có kinh nghiệm trong việc đó, đặc biệt là sự điều hành của QK5. Trước mưa bão, QK đều cử cán bộ chỉ huy đi kiểm tra, soát xét lại hết. Đây là điều rất quan trọng để phối hợp điều hành thống nhất, kịp thời, nhanh nhạy.
Điện thoại đường dây nóng của chúng tôi thiết lập tại Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam, ngoài các số di động đã công bố trực tiếp, có số cố định để bà con gọi trực tiếp 0510 3852 473.
Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn: Về phía QK 5 có phòng cứu hộ cứu nạn vừa được thành lập, trực 24/24, theo dõi tình hình diễn biến lũ lụt, thiên tai, bão lũ trên địa bàn Quảng Nam: 069 775 378.
BTV: Thưa Ông Nguyễn Ngọc Quang, từ thực tế tổ chức tập huấn, diễn tập, chính quyền đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì? Từ đó có những đề xuất để có các buổi diễn tập, tập huấn được hiệu quả hơn?
Ông Nguyễn Ngọc Quang: Quảng Nam đã tổ chức tập huấn cho lãnh đạo, cán bộ, nhân dân của huyện Bắc Trà My về động đất, đây có thể nói là điểm rất mới. Lâu nay, chúng tôi cứ lo phòng chống lụt bão, còn khái niệm về động đất còn mới quá, không chỉ đối với cán bộ, nhân dân không phải chỉ ở Bắc Trà My đâu, mà kể cả đối với cán bộ anh em cấp tỉnh cũng vậy.
Chúng tôi cũng đã nhờ các cơ quan chuyên môn như Viện Vật lý địa cầu cũng như một số cơ quan chức năng cung cấp thông tin, soạn thành các tờ rơi để hướng dẫn cho bà con. Quan trọng nhất chúng tôi cụ thể hóa các hiện tượng động đất cỡ hơn 3 độ richter thì như thế nào, 4 độ richter thì như thế nào, trên 4 độ richter thì cỡ như thế nào, chẳng hạn đồ đạc trong nhà sẽ bị ảnh hưởng như thế nào. Đấy là những hiện tượng bất thường mà bằng mắt thường bà con có thể cảm nhận là động đất cỡ bao nhiêu để có những ứng xử kịp thời. Chẳng hạn với động đất trên 4 độ richter thì phải khẩn trương ra khỏi nhà.
Còn khó khăn, chúng tôi cho rằng cũng như tất cả những gì mới thì không dễ tiếp thu nhanh được, vì chúng ta vẫn là lý thuyết, cho nên bằng những trực quan của mình, thì phải từng bước tạo ra những ứng xử một cách hoàn toàn tự nhiên để không mất bình tĩnh, bảo vệ tính mạng tài sản người dân.
Khó khăn nhất mà chúng tôi thấy là những vấn đề liên quan đến chuẩn bị cho động đất xảy ra cần phải ứng xử như thế nào còn rất lúng túng. Chẳng hạn, những tình huống các đồng chí xem báo, đài phản ánh thì hầu hết người dân hoang mang lo lắng, không hiểu động đất mạnh đến mức nào. Khi nói đến động đất thì nhiều người đều hình dung thiệt hại ghê gớm, trong bối cảnh đó lại gắn với việc hồ Thủy điện Sông Tranh 2 bị thấm nước thân đập nên càng tạo ra tâm lý hoang mang, lo lắng. Và khi đi tập huấn, các anh em phản ánh tâm lý đó không thể thoát ra được, dù hiểu biết cấp 4 thế này, cấp 5 thế kia và cần có thời gian điều chỉnh dần cho hợp lý.
Điểm thứ hai là vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, đặc biệt là chủ công trình Thủy điện Sông Tranh 2, không thể nói an toàn chung chung mà bằng những số liệu, chứng cứ, bằng hệ thống quan trắc để khẳng định sự an toàn tuyệt đối. Theo tôi, đấy là liều thuốc tốt nhất để toàn bộ người dân sống ở vùng hạ du yên tâm, không nơm nớp mỗi khi mùa bão lũ về, hay mỗi khinghe tiếng động đất rì rầm dù rất thấp. Đấy là những điểm từng bước cần khắc phục.
BTV: Xin ông Trần Văn Được khẳng định lại về sự an toàn của đập Sông Tranh 2, để tránh tâm lý hoang mang lo lắng trong người dân?
Ông Trần Văn Được: Viện Vật lý địa cầu sẽ tiếp tục nghiên cứu về động đất tại khu vực Sông Tranh 2. Về kỹ thuật, tôi xin thông tin như sau, vừa rồi Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã thuê tư vấn độc lập từ Thụy Sĩ, họ đã đến công trường, tìm những nơi xung yếu nhất, khoan kiểm tra, thí nghiệm độc lập tại cơ quan, phân tích của Bộ Xây dựng. Qua 9 mẫu khoan và tính toán cho thấy, với những thông số đầu vào cực xấu, đập Sông Tranh vẫn chịu được gia tốc nền 220 cm/s2, trong khi thiết kế chịu được 150 cm/s2 (tương đương 5,5 độ richter) ở mực nước dâng bình thường 175 m.
Chủ đầu tư khẳng định về sự an toàn của đập Sông Tranh 2.
Xin được nói thêm, đây là đập bê tông trọng lực. Trong cả 3 mùa lũ vừa qua, khi thi công, chúng tôi đều đã cho nước lũ tràn qua đập. Khác với các loại đập, như đập đất đá, trong tình huống xấu nhất, đập bê tông trọng lực không đổ vỡ ào ào. Tại Sông Tranh 2, chúng tôi đã thành lập các tổ đo đạc, quan trắc 24/24, một tiếng đồng hồ đo đạc một lần, sẽ phát hiện ngay được những bất thường và chúng tôi sẽ có phương án kịp thời.
Do đó, về mặt kỹ thuật là tôi hoàn toàn yên tâm. Với động đất cấp 9, 10 thì tôi không dám khẳng định, nhưng qua quan trắc 60 năm, Viện Vật lý địa cầu đã khẳng định động đất do kiến tạo do hai đứt gãy gần đập Sông Tranh chỉ tối đa 5,5 độ richter. Động đất tại khu vực thời gian qua là động đất kích thích, thế giới đã khẳng định động đất kích thích không thể vượt qua động đất kiến tạo.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi ngay tức khắc không cho tích nước đập Sông Tranh 2. Theo tính toán, ở mức nước tràn 161 m, đập chịu được gia tốc nền tới 320cm/s2, tương đương động đất cấp 9, cấp 10.
Đương nhiên, chúng ta vẫn phải chuẩn bị cho phương án xấu nhất, vì đập an toàn nhưng nhà của người dân có thể bị ảnh hưởng, với thiên tai thì phải đề phòng tới mức tối đa.
BTV: Bão lũ, thiên tai là hiện tượng nguy hiểm của thời tiết xảy ra khách quan, bất ngờ mà con người chúng ta buộc phải đối mặt, không tránh được. Tuy không tránh được nhưng chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng chống và ứng phó.
Từ những trao đổi với đại diện lãnh đạo chính quyền tỉnh Quảng Nam, với lãnh đạo QK5 và lãnh đạo Tập đoàn điện lực VN trong chương trình hôm nay, chúng ta thấy rằng, những vấn đề được nêu ra trong ứng phó và chủ động ứng phó với thiên tai là không chỉ của riêng một địa phương, đơn vị nào. Chủ động để ứng phó với thiên tai là một trong những phương cách hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Chủ động ứng phó với thiên tai cũng là vừa đảm bảo thực hiện hiểu quả các mục tiêu quan trọng trong Chiến lược Quốc gia về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của Thủ tướng Chính phủ vừa đảm bảo cho sự phát triển bền vững của từng địa phương nói riêng và của cả quốc gia nói chung.
Cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình. Cảm ơn sự theo dõi của bạn đọc.