Các ngành chức năng trên còn kiến nghị Công ty Thủy điện Trị An, đơn vị chủ hồ thủy điện cần nhanh chóng phối hợp cùng các đơn vị khảo sát, tư vấn có năng lực để xây dựng bản đồ các khu vực hạ du xảy ra ngập lụt do ảnh hưởng từ việc xả lũ; đồng thời thông báo kịp thời việc xả lũ để các địa phương vùng hạ du chủ động. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương phải chủ động trong các phương án di dời dân, phối hợp với các đơn vị cứu hộ, cứu nạn… khi xả lũ cũng như khi có sự cố xảy ra.
Theo quy hoạch, trên hệ thống sông Đồng Nai có 26 thủy điện, 406 hồ chứa thủy lợi, 371 đập dâng, cống và 134 trạm bơm. Do thiếu quy trình vận hành liên hồ, mỗi công trình hoạt động theo cơ chế riêng, không có sự phối hợp, dẫn đến việc các hồ chứa đầu nguồn tích nước vào mùa khô và đua nhau xả nước trong mùa lũ khiến khu vực hạ lưu sông Đồng Nai chịu nhiều tổn thất trong thời gian qua.
Theo kế hoạch công tác của Công ty Thủy điện Trị An, đơn vị này đã đề ra phương án xả lũ theo các cấp độ: 800 m3/s, 3.000m3/s, 6.700m3/s và cao nhất là 13.000m3/s theo các tình huống và dựa trên nguyên tắc đảm bảo tuyệt đối an toàn cho công trình, kể cả khi xả tràn đến lưu lượng thiết kế; hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản đối với khu vực hạ du khi xả lũ.
Tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các địa phương ở vùng xung yếu cần tập trung công tác phòng chống lụt bão, bởi năm nay là chu kỳ của 60 năm đã xảy ra trận lũ lịch sử năm Thìn. Vì vậy, các địa phương phải nâng cao tinh thần cảnh giác, xây dựng đầy đủ các phương án ứng phó để đối phó với những tình huống bất trắc có thể xảy ra.