Đáng chú ý, tình trạng sạt lở bờ sông liên tục diễn ra ở 17 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với chiều dài sạt lở gần 17km, làm mất 6,78ha đất, ảnh hưởng trực tiếp đến 1.431 hộ dân có nhà cách mép sông từ 0 - 20m cần di dời. UBND tỉnh đã công bố tình trạng khẩn cấp về sự cố sạt lở bờ sông khu vực xã Tân Bình, xã Tân Quới (huyện Thanh Bình); xã Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò); khu vực vàm Cái Đôi thuộc xã An Hiệp (huyện Châu Thành) và phường 4 (thị xã SaĐéc).
Trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện các biện pháp nhằm phòng chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phòng, chống lụt bão cho cộng đồng, tỉnh đã hỗ trợ 608 hộ dân vùng sạt lở di dời đến nơi an toàn; duy trì 367 nhóm trẻ cộng đồng để coi giữ 6.434 trẻ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh xây dựng kế hoạch mở 782 lớp dạy bơi cho trẻ em từ 7 - 15 tuổi; kiện toàn 448 đội cứu hộ cứu nạn với gần 3.000 thành viên; các ngành chức năng tổ chức nhiều đợt kiểm tra an toàn giao thông thủy tại các bến phà, bến đò ngang; tăng cường kiểm tra, gia cố đê bao bảo vệ diện tích lúa, hoa màu và vườn cây ăn trái.
Theo nhận định của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong thời gian tới, nhất là thời điểm đỉnh lũ, tình hình mưa lũ, bão sẽ còn diễn biến phức tạp. Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: giông, lốc xoáy, sấm sét, mưa lớn xảy ra trên diện rộng, tình trạng sạt lở bờ sông sẽ còn diễn biến phức tạp, nên người dân cần nâng cao ý thức, chủ động phòng, chống và ứng phó kịp thời với thiên tai trong mọi tình huống./.