Người dân xã Hương Đô huyện Hương Khê khắc phục hậu quả bão lũ |
Kể từ ngày 04/9 đến hết ngày 09/9, khắp địa bàn Hà Tĩnh đã xuất hiện vừa đến mưa to. Lượng mưa lớn nhất đo được tại Hương Khê đạt đỉnh 390,9mm; Chu Lễ 342,7mm. Tuy lượng mưa chưa thật lớn nhưng đã gây mhập lụt cục bộ ở nhiều nơi. Cụ thể làm ngập và hư hỏng 3.895.9 ha diện tích lúa Hè Thu, 57 ha ngô Đông; 575ha đậu, vừng; 189ha rau màu, 169 ha cây ăn quả và 3.289 con gia sức gia cầm bị chết. Đặc biệt nghiêm trọng mưa lũ đã làm cho công trình Thủy lợi Khe Lù ở Hương Khê bị lũ xói mòn phần mang tràn; tuyến Quốc lộ 8A bị sạt mái taluy 50m từ đoạn Km81-Km82; tuyến Quốc lộ 15A từ T.P Hà Tĩnh đi huyện Hương Khê bị ngập nhiều nơi có nơi bị ngập tới 1,2m; một số trạm y tế, trường học bị ngập từ 1m - 1,5m khiến học sinh phải nghỉ học… Theo số liệu thống kê tạm thời, tổng thiệt hại lên tới: 37,893 tỷ đồng.
Người dân phiêu lưu đi đò trên lũ sông Ngàn Sâu |
Trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa bão, Hà Tĩnh đã chủ động đối phó tập trung vật tư nhân lực, thiết bị, khắc phục khẩn cấp sự cố xẩy ra. Trong đó, kịp thời vận hành hệ thống tiêu thoát lũ nội đồng hạn chế ngập úng lúa Hè Thu; huy động lực lượng thu dọn đất, đá bị sạt lở, phân luồng đảm bảo giao thông. Sở Y tế Hà Tĩnh cũng đã kịp thời cấp 70kg CloraminB và 35kg hóa chất, đồng thời cử cán bộ y tế xuống các địa bàn bị ngập xử lý nguồn nước vệ sinh và môi trường.
Ngay sau khi nước rút bà con nông dân cũng đã tranh thủ xuống đồng thu hoạch lúa Hè Thu, ổn định đời sống.
Tuy vậy, một vấn đề đang được nhiều người quan tâm là mặc dù lượng mưa chưa thực sự lớn và cũng chưa liên tục kéo dài nhiều ngày liền nhưng rất khó lường và hậu quả của nó càng nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân ban đầu có thể được xác định là do hệ thống các công trình giao thông, thủy điện… phát triển nhưng không hợp với quy hoạch Thủy lợi vô tình trở thành những con đê, đập làm hạn chế việc tiêu thoát lũ tự nhiên.
Theo ông Bùi Lê Bắc, Chi cục trưởng chi cục Phòng chống lụt bão Hà Tĩnh thì chỉ làm một phép so sánh các đợt mưa có thời gian cùng nhau, có lượng mưa đo được cũng bằng nhau giữa các năm trước khi chưa có công trình nhà máy Thủy điện Hố Hô tại thượng nguồn sông Ngàn Sâu, huyện Hương Khê và sau khi có công trình này thì rõ ràng hậu quả thiệt hại do mưa lũ gây ra sau khi khánh thành nhà máy Thủy điện Hố Hô là nặng nề hơn rất nhiều so với trước đó.
Trong những năm gần đây Hà Tĩnh đã có nhiều biện pháp tích cực trong việc chủ động phòng chống bão lũ tại chỗ. Nhưng để giảm thiểu được hậu quả do mưa lũ gây ra một cách hiệu quả hơn thì rõ ràng trong quy hoạch cần phải đặc biệt chú trọng tới công tác Thủy lợi./.