Ngay sau khi lốc xoáy xảy ra, chính quyền địa phương đã có mặt kịp thời để động viên thăm hỏi sức khỏe nhân dân đồng thời hướng dẫn bà con dọn dẹp, sửa lại nhà cửa, ổn định cuộc sống. Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn (PCLB - TKCN) phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện đã đến thăm và hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống với mức hỗ trợ 6 triệu đồng/căn nhà sập và từ 2 đến 3 triệu đồng đối với căn nhà bị tốc mái. Các địa phương tổ chức lực lượng thanh niên xung kích, dân quân tự vệ đến dọn dẹp và dựng lại nhà cho bà con. Tuy nhiên, liên tục trong ngày 2/8 và sáng 3/8, trên địa bàn Hậu Giang tiếp tục có mưa vừa đến mưa to gây ảnh hưởng lớn tới việc khắc phục hậu quả của lốc.
Theo Ban chỉ huy PCLB - TKCN của tỉnh: từ đầu năm đến nay trên địa bàn Hậu Giang đã xảy ra nhiều trận lốc xoáy làm sập hoàn toàn 88 căn nhà và tốc mái 90 căn nhà khác. Tổng thiệt hại khoảng 2 tỷ 800 triệu đồng.
Để chủ động đối phó với mưa lũ có khả năng diễn biến phức tạp trong năm 2012, Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh đã yêu cầu các địa phương có kế hoạch bảo vệ diện tích lúa thu đông, vườn cây ăn trái, vùng mía nguyên liệu; đề phòng sạt lở trên các tuyến sông. Đặc biệt, UBND tỉnh Hậu Giang đã họp với lãnh đạo các huyện, thị trong tỉnh bàn giải pháp dọn dẹp lục bình nhằm tạo thông thoáng dòng chảy, đảm bảo lưu thông thủy thuận tiện, an toàn. Theo kế hoạch, đồng loạt các huyện, thị, thành như: Long Mỹ, Vị Thanh, Phụng Hiệp, Vị Thủy sẽ ra quân dọn dẹp lục bình, chà, nò lấn chiếm lòng sông đồng thời tiến hành nạo vét một số tuyến kênh, sông rạch bị phù sa bồi lắng làm ách tắc giao thông. UBND tỉnh Hậu Giang cũng sẽ có văn bản phối hợp với các địa phương bạn như tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng để các địa phương này cùng đồng loạt ra quân thực hiện. UBND tỉnh cũng yêu cầu các huyện, thị phải có văn bản từ nay đến 15/8 quy định phạm vi, giới hạn cho phép trồng lục bình ở bờ sông để người dân biết và thực hiện đúng.
Vừa qua, do muốn có thêm thu nhập và việc làm, nhiều nông dân ở các địa phương như Long Mỹ, Vị Thanh, Phụng Hiệp đã trồng lục bình để có nguồn nguyên liệu cung cấp cho các công ty, doanh nghiệp đan lát xuất khẩu. Nhiều hộ dân đã tăng nhanh diện tích trồng lục bình trên sông, tập trung nhiều nhất là trên sông Cái Lớn và các nhánh kênh rạch của tuyến sông này làm cản trở nghiêm trọng đến việc giao thông thủy và gây hạn chế dòng chảy, bồi lắng nhanh kênh rạch./.