Theo tổng hợp của Ban phòng chống lụt bão của tỉnh cho biết: tại huyện Bảo Lâm Có 11 nhà bị thiệt hại (trong đó 04 nhà sạt lở đất phải di chuyển, 03 nhà bị tốc mái, 04 nhà do sạt lở ảnh hưởng đến nhà). Các tuyến giao thông như: Cầu ở ngã ba Bệnh Viện, Thị trấn Pác Miều, huyện Bảo Lâm nước lũ ngập sâu trên mặt khoảng 2 m gây ách tắc giao thông; Tuyến đường giao thông từ trung tâm huyện đến trung tâm các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Phong, Đức Hạnh, Nam Cao, Thái Sơn, Mông Ân bị sạt lở đất, đá nhiều đoạn gây ách tắc giao thông; Tuyến đường vào 2 xã: Quảng Lâm và Thạch Lâm bị ngập lụt.
Huyện Bảo Lạc: Thiệt hại 10 nhà (trong đó 06 nhà bị sạt lở đất; 01 nhà bị tốc mái 1/3 nhà; 01 nhà bị ngập nước và 02 nhà bị sạt lở đất vào nhà hiện đã di dời 01 nhà). Diện tích ruộng bị ngập úng khoảng 40ha tại các xã Kim Cúc, Hồng Trị, Phan Thanh, Cốc Pàng, Thượng Hà, Bảo Toàn. Về các tuyến giao thông: Đường QL 34 từ Km12 - Km19 đoạn Bảo Lạc - Hưng Đạo bị sạt lở gây tắc đường giao thông, khối lượng: khoảng 1.500m3; Các tuyến đường từ Bảo Lạc đến xã Cô Ba, Phan Thanh, Hưng Thịnh, Xuân Trường bị sạt lở nhiều đoạn gây ách tắc giao thông; Tuyến đường Bảo Lạc - Cốc Pàng bị sạt lở ta luy tại Km 10, km24.
Huyện Thông Nông: Có 36 nhà bị ngập; Diện tích ruộng và cây trồng khác bị ngập 195ha; Giao thông trên đường TL 204 từ Thị trấn Thông Nông có 2 đoạn bị ngập sâu khoảng 50cm, chiều dài ngập 250m; Các công trình khác như: Trường học, Trạm Y Tế, UBND xã Ngọc Động tầng 1 bị ngập sâu khoảng 1m; Sạt lở ta luy trường Phổ thông cơ sở Đa Thông khối lượng 1000 m3, tường kè đá xây 20m; Xóm Lũng Tàn xã Ngọc Động bị cô lập do ngập nước sâu (0,70 - 1,0)m, nhân dân địa phương đang tổ chức di dời trâu, bò và tài sản đến nơi an toàn, đến nay nước đang rút chậm và còn ngập khoảng 10 - 20cm.
Thị xã Cao Bằng: Có 260 nhà bị ngập; 90 ha diện tích lúa bị ngập và 2 ha diện tích hoa màu bị ngập.
Huyện Hoà An: Có 165 ha diện tích lúa mùa mới cấy và một số diện tích mạ bị ngập úng; giao thông gây tắc đường giao thông nông thôn xã Ngũ Lão, xã Nam Tuấn và 03 cầu bắc qua sông bị cuốn trôi tại xã Trương Lương ( 02 cầu treo tạm và 01 cầu treo gỗ).
Huyện Phục Hoà: Có 10ha diện tích lúa và hoa màu bị ngập
Hiện nay, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo, đôn đốc các cấp, các ngành, huyện, thị và các xã, di dời người, tài sản của các hộ nằm trong vùng ngập lụt, có nguy cơ sạt lở do thiên tai đến nơi an toàn; Sở Giao thông - Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức khắc phục sạt lở tuyến Quốc lộ 34 để thông xe và các tuyến đường tỉnh lộ bị ắch tắc do sạt lở đất; Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, duy trì lực lượng thường trực sẵn sàng tổ chức thực hiện các biện pháp ứng phó với tình huống khẩn cấp do thiên tai gây ra tại địa phương, chủ động huy động lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn theo phương án "4 tại chỗ" để tham gia phòng, tránh lũ quét và sạt lở đất; khắc phục những nơi đang bị ngập úng, sạt lở đất gây ách tắc giao thông để đảm bảo giao thông thông suốt; vận động nhân dân tập trung khắc phục những diện tích lúa mùa, mạ mùa, hoa màu bị ngập lụt và vệ sinh đồng ruộng, chăm sóc lúa vụ mùa.