Tham dự Hội thảo có các học giả Việt Nam và quốc tế và các nhà báo, các nhà truyền thông về môi trường và biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện đang là mối quan tâm của tất cả các quốc gia trên thế giới. Việt Nam là một trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về biến đổi khí hậu. Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 2-12-2008 là định hướng và chiến lược cơ bản quốc gia để ứng phó với biến đổi khí hậu. Một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào sự thành công trong việc thực hiện mục tiêu chương trình quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu và chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu là công tác truyền thông.
Với đặc trưng là cung cấp thông tin và định hướng dư luận xã hội, báo chí và truyền thông khẳng định vị thế quan trọng trong đời sống xã hội hiện đại, đi vào giải quyết nhiều vấn đề của xã hội, trong đó có những vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn cầu. Một trong số đó là vấn đề biến đổi khí hậu. Một thực tế là các phương tiện truyền thông ngày càng đưa nhiều tin, bài về những rủi ro của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên lại tập trung chủ yếu vào các hậu quả khủng khiếp của nó, biến nó trở thành một nguy cơ lớn nhưng lại ít truyền tải cho người dân những thông tin về việc xử lý thực tế, vì vậy đã làm giảm hiệu quả truyền thông về biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hội thảo là cơ hội để các học giả nêu ra các góc nhìn, các quan điểm, các kết quả nghiên cứu cũng như đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của truyền thông về lĩnh vực này. Tập trung vào một số chủ đề: Phân tích các vấn đề truyền thông về biến đổi khí hậu, các góc nhìn quốc tế về truyền thông biến đổi khí hậu, truyền thông thực tế về biến đổi khí hậu góc tiếp cận từ các tổ chức phi chính phủ và các dự án hợp tác, truyền thông về biến đổi khí hậu góc tiếp cận của các nhà báo trong việc đưa tin về biến đổi khí hậu.
Hội thảo diễn ra đến ngày 30-11.