Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh kiểm tra tình hình triều cường dâng cao gây ảnh hưởng đến đời sống người dân tại phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D |
Khẩn trương ứng phó
Theo báo cáo nhanh của ông Lương Ngọc Lân, Phó ban Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) tỉnh, áp thấp nhiệt đới có khả năng chuyển hóa thành bão trong vài ngày tới. Lúc 10 giờ sáng nay (15/11/2012), tâm áp thấp chỉ cách bờ biển Bạc Liêu khoảng 100km về hướng Đông Nam. Cộng với đợt triều cường này, Bạc Liêu sẽ phải đối mặt cùng lúc hai hiện tượng là mưa lớn kết hợp với nước biển dâng.
Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh nhận định: Huyện Đông Hải sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất do triều cường. Các xã phía Tây của huyện và thị trấn Gành Hào sẽ bị ngập nặng. Sóng triều cường sẽ tràn qua kè Gành Hào. Ở huyện Giá Rai, khu vực hai bên bờ sông Bạc Liêu - Cà Mau thuộc thị trấn Hộ Phòng, thị trấn Giá Rai sẽ bị ngập. Các điểm chợ: Giá Rai, Láng Tròn cũng sẽ bị ngập. Hạ lưu các cống dọc Quốc lộ (QL) 1A như: Xóm Lung, Láng Tròn, Giá Rai, Hộ Phòng và Nọc Nạng có nguy cơ bị nước tràn qua nếu không gia cố kịp thời. QL1A (đoạn qua huyện Giá Rai) có 4 đoạn sẽ bị triều cường tràn qua. Khu vực các ấp của xã: Vĩnh Mỹ A, Vĩnh Mỹ B, Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A của huyện Hòa Bình sẽ bị ngập. Ngoài ra, các bờ bao hạ lưu các cống Chệt Niêu, Cầu Số 2, Xóm Lung đều có nguy cơ bị nước ngập. Tuyến lộ Cao Văn Lầu, Khu du lịch Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) có nguy cơ bị nước tràn qua. Riêng các tuyến đường nằm trong nội ô TP. Bạc Liêu như: Hoàng Văn Thụ, Võ Thị Sáu, Hà Huy Tập, Lê Văn Duyệt… sẽ bị ngập cục bộ. Huyện Vĩnh Lợi cũng có một số điểm ven sông Cà Mau - Bạc Liêu bị ngập. Ngoài ra, toàn tỉnh có khả năng bị ngập nếu có xuất hiện mưa lớn do áp thấp nhiệt đới.
Để chủ động ứng phó với đợt triều cường, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định: công tác triển khai giải pháp phòng chống ở các địa phương là vô cùng cấp bách. Cần nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chịu trách nhiệm liên lạc 100% tàu thuyền và hướng dẫn ngư dân cách neo đậu tránh áp thấp. Sở NN&PTNT cần chỉ đạo mở ngay các cống nằm dọc QL1A để tiêu thoát nước, đề phòng bị ngập khi có mưa lớn. Đêm 14/11/2012, Bộ NN&PTNT đã cử ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đến Bạc Liêu để chỉ đạo công tác ứng phó đợt áp thấp này.
Người dân đắp cao đê bao tại các cống đầu mối trên tuyến đường Cao Văn Lầu (phường nhà Mát, TP. Bạc Liêu). |
Tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Dũng đã phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ cùng lãnh đạo một số sở, ngành xuống ngay các huyện, thành phố trực tiếp chỉ đạo. Trong đó, đặc biệt quan tâm vấn đề di dân, nhất là khu vực thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) và người dân sống trong rừng phòng hộ. Đề nghị tuyên truyền đến tận hộ dân và kêu gọi chằng chống nhà cửa đề phòng có bão xảy ra. Các địa phương cần chủ động lực lượng để xử lý các tình huống bất ngờ và giúp dân tôn cao bờ bao, di chuyển chỗ ở, bảo vệ tài sản… Các huyện, thành phố được sử dụng ngân sách dự phòng để chống thiên tai trong đợt này. Tỉnh ủy và UBND tỉnh sẽ dời một số cuộc họp và thời gian tiếp dân, tiếp xúc cử tri… để tập trung chỉ đạo phòng chống đợt triều cường và áp thấp này.
Đồng chí Võ Văn Dũng nhấn mạnh: Các huyện, thành phố và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cần huy động lực lượng chuẩn bị giúp đỡ các hộ neo đơn, gia đình chính sách đào đắp đê bao bảo vệ sản xuất và tài sản. Riêng các hộ dân kêu gọi họ tự chủ động. Các điểm giao thông xung yếu phải bố trí lực lượng túc trực để xử lý ngay. Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh phải bổ sung ngay kế hoạch phòng tránh bão trong đợt triều cường này.
Ngày 14/11/2012, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định số 2736 công bố tình trạng thiên tai xảy ra ở 4 huyện và thành phố: Đông Hải, Giá Rai, Hòa Bình, Vĩnh Lợi và TP. Bạc Liêu để làm cơ sở cho việc hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả theo đúng chính sách hiện hành.
Triển khai nhiều công trình chống ngập
Để chủ động ứng phó với tình hình triều cường dâng cao trong những ngày tới, nhiều địa phương đã tích cực vận động nhân dân gia cố bờ bao và khẩn trương đắp cao các đê bao. Từ ngày 13 - 14/11/2012, UBND huyện, Ban chỉ huy PCLB&GNTT huyện Đông Hải đã phân công cán bộ đi kiểm tra tình hình thực tế ở nhiều địa phương trên địa bàn và tổ chức đắp đê chống ngập. Ông Phạm Hoàng Duy, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Gành Hào, cho biết: “Rút kinh nghiệm từ đợt triều cường dâng cao vừa qua, thị trấn Gành Hào đã tập trung xây dựng các kè chống ngập ở khu vực 1, 2 và 3 với chiều dài hơn 100m. Khu vực này tập trung dân cư khá đông với hơn 250 hộ. Đến chiều ngày 14/11, việc tấn cọc và đắp bao cát cơ bản hoàn thành”.
Ở TP. Bạc Liêu, bên cạnh vận động nhân dân đắp cao bờ bao ở vùng chuyên rau màu và chuyên tôm ở các xã vùng ven, ngày 14/11/2012, TP. Bạc Liêu còn tổ chức đắp cao các đê chống ngập ở các cống đầu mối trên tuyến đường Cao Văn Lầu. Đồng thời, trải bạt và đắp đất bao quanh để chống nước thấm vào các lỗ mội gây vỡ đê; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình kè ven sông Bạc Liêu để hạn chế ngập.
Đối với huyện Hòa Bình, ngày 14/11/2012, xã Vĩnh Mỹ B đã tiến hành thi công bờ kè ngăn nước. Công trình có tổng chiều dài 2.200m, chiều cao 1m được xây dựng tại ba điểm là: cống Cầu Số 2 (1.000m), cống Chệt Niêu (300m), cống Xóm Lung (800m). Ngoài ra, xã còn sửa chữa các cống đập, gia cố một số tuyến bờ kè cũ. Theo ông Huỳnh Văn Tính, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Mỹ B: “Lãnh đạo xã đã phối hợp với chính quyền địa phương huy động bà con trong xã làm bờ kè ngăn nước để có thể chủ động ứng phó với triều cường từ nay đến cuối năm”. Riêng khu vực ven biển của huyện Hòa Bình như: xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A và xã Vĩnh Thịnh, người dân cũng chủ động ứng phó với triều cường và diễn biến thất thường của thời tiết.
Còn ở huyện Vĩnh Lợi, UBND huyện đã có buổi họp triển khai kế hoạch chủ động ứng phó với triều cường. Ông Nguyễn Mạnh Niêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND, Trưởng Ban PCLB&TKCN huyện cho rằng: “Huyện đã chỉ đạo xã và phân công cán bộ trực để ứng phó với tình hình triều cường dâng ở các xã Long Thạnh, Châu Hưng A, Hưng Hội và Hưng Thành. Chỉ đạo xã Châu Hưng A đắp đê bao dài khoảng 400m tại ấp Thạnh Long. Huyện cũng đã chỉ đạo xã Hưng Thành phân công cán bộ thường xuyên kiểm tra cống ngăn mặn Đông Nàng Rền và tập trung bảo vệ ô đê bao 1.308ha lúa - tôm. Xã Long Thạnh thì tiến hành họp dân và phát động nhân dân ở các ấp Phước Thạnh I, Phước Thạnh II, Cái Tràm, cống Cầu Sập chủ động đắp đê bao xung quanh nhà, kê các vật dụng lên cao”…
Nhằm hạn chế thấp nhất mức thiệt hại của nhân dân, một số xã của huyện Vĩnh Lợi đã phát động nhân dân trồng lúa ở vùng trũng nên đắp đê bao cao, chuẩn bị máy bơm tát nhằm bảo vệ các trà lúa.