|
Động đất, sóng thần ở Nhật ngày 11/3/2011 để lại những hậu quả nặng nề cho nước Nhật và nền kinh tế thế giới. (Ảnh: AP) |
Trận động đất mạnh 9 độ richter đã gây nên những con sóng thần phá hủy cả một miền duyên hải các tỉnh Đông Bắc, gây ra những thiệt hại khủng khiếp về người và tài sản cho đất nước Nhật Bản. Gần 10 tháng sau thảm họa ấy, phóng viên của Đài THVN đã trở lại những khu vực thảm họa...
Tại trung tâm thành phố Minami Sanriku, tỉnh Myaghi, nơi có hơn 10.000 người dân bị mất tích trong ngày thảm họa đó, dấu vết của trận sóng thần vẫn còn rất rõ. Có con thuyền vẫn ở trên nóc tòa nhà từ 9 tháng qua. Trên khắp một khu vực rộng lớn chỉ nhìn thấy móng của những ngôi nhà đã bị sóng thần cuốn trôi. Công việc dọn dẹp vẫn đang được tiến hành.
Không khó khăn để có thể bắt gặp những khu nhà hoang, nơi sóng thần chưa cuốn trôi hết mọi thứ, nhưng chủ nhân của nó đã không còn. Người ta nói rằng, ở đây đã có rất nhiều người già không thể chạy kịp khi sóng thần tràn vào, nhiều người sống sót cũng đã chết vì đói và rét sau đó vài ngày vì cứu hộ đã không thể tới kịp
Ở tỉnh Fukushima, người dân còn phải đương đầu với một vấn đề khác: Phóng xạ hạt nhân. Nhật Bản đã kiểm soát được nhà máy điện hạt nhân Fukushima nhưng công cuộc tẩy rửa các vùng đất đã nhiễm phóng xạ diễn tiến chậm.
Các nhà khoa học Nhật Bản đã có mặt tại đây, trong đó có nhà sinh học Yoshida Yukihiro, người đã nghiên cứu các phương pháp nhằm tẩy phóng xạ khỏi các vùng đất trồng trọt.
Nhà sinh học Yoshida Yukihiro cho biết: "Mục tiêu của tôi là đưa lượng phóng xạ trong đất xuống dưới mức cho phép của chính phủ Nhật Bản. Tôi không dùng chất hóa học mà dùng vi sinh vật để tạo nên sự biến chuyển tự nhiên trong đất trồng. Đến tháng 3 năm sau, chúng tôi sẽ biết nghiên cứu này có thành công hay không".
Bản lĩnh cùng trí óc sáng tạo, sự kiên cường và năng động của người Nhật đang trả lại sự sống cho những vùng đất chết. Đến nay, dự án dùng vi sinh vật để tẩy chất phóng xạ của ông Yoshida đã thành công trên những khu đất trồng thử nghiệm.
Nhật Bản đang đối mặt với khó khăn lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai. Có thể mất hàng thập kỷ họ mới khôi phục lại được những gì đã mất. Khó khăn như vậy nhưng người Nhật luôn tin tưởng vào sức mạnh nội tại của dân tộc.
Giáo sư Furuta Motoo, Khoa Khoa học và nghệ thuật, trường đại học Tokyo khẳng định: "Nước Nhật đã trải qua nhiều thảm họa khủng khiếp nhưng đều gượng dậy được. 300 năm trước đây, thời Edo núi lửa Phú Sỹ phun trào, Nhật Bản rối loạn trong suốt 20 năm, mọi người đều tưởng đất nước đã bị tận diệt, song cuối cùng mọi chuyện đã đi vào ổn định. Tôi tin Nhật Bản sẽ vượt qua giai đoạn này".
Cảm nhận về nghị lực của người Nhật được thấy rõ ngay khi đến sân bay Sendai. Ngày 11/3, sân bay đã bị phá hủy hoàn toàn nhưng phục hồi hoạt động chỉ 1 tháng sau đó. Nhiều dòng chữ động viên của biết bao người đã từng đặt chân tới đây: Hãy hy vọng vào tương lai! Dù khó khăn hay đau buồn, chúng ta đều ở bên nhau. Cố lên Nhật Bản!
Người Nhật nói thảm họa lần này dù khủng khiếp, nhưng nó đã trở thành động lực làm bền chặt thêm sợi dây liên kết giữa những người dân Nhật Bản. Với sức mạnh này, không gì ngăn cản đất nước Nhật tiến lên phía trước.