|
Các đồng chí trong đoàn kiểm tra Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương và Lãnh đạo tỉnh kiểm tra phòng chống bão số 1 trên địa bàn tỉnh. |
Các địa phương sẵn sàng phương án di dời dân khi có bão đổ bộ vào.
Chiều 31 – 3, đoàn Ban phòng chống lụt bão Trung ương do ông Nguyễn Xuân Diệu, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thủy lợi - Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương làm trưởng đòan đã có buổi làm việc với Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh về tình hình triển khai công tác phòng chống bão số 1.
Tại buổi làm việc ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Phòng chống lụt bão tỉnh cho biết, đến thời điểm hiện tại tỉnh đã xây dựng xong phương án sơ tán dân cư khi bão số 1 đổ bộ trực tiếp lên đất liền. Theo đó, xác định di dời dân ở các khu vực vùng trũng thấp, vùng cửa sông, ven biển… đến nơi an toàn khi có bão. Cụ thể, sẽ di dời dân ở 4 khu vực huyện, thị gồm: TP Vũng Tàu, huyện Long Điền, huyện Đất Đỏ, huyện Xuyên Mộc với tổng số hộ sẽ di dời là 46.920 hộ; Huy động lực lượng bộ đội khoảng 600 chiến sĩ và đầy đủ các vật tư phương tiện,sẵn sàng các phương án ứng cứu nếu bão xảy ra; Các cơ quan thường trực phòng tránh lụt bão của tỉnh và các địa phương trực 24/24 giờ.
Theo báo cáo của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, tính đến 10 giờ ngày 31 – 3, có 2.752 tàu cá với 14.653 ngư dân đã vào bờ tránh bão. Trong đó, có 2.336 tàu cá với 11.605 ngư dân trong tỉnh và 416 tàu cá với 3.048 ngư dân khác tỉnh. Hiện vẫn còn khoảng 2.848 tàu cá với 21.152 ngư dân đang hoạt động trên vùng biển của tỉnh chưa vào bờ. Số tàu cá này đều đã nắm rõ thông tin về tình hình diễn biến của cơn bão số 1 trên biển Đông và bảo đảm liên lạc thông suốt với gia đình cũng như các cơ quan chức năng, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn của tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp ông Nguyễn Xuân Diệu lưu ý cơn bão số 1 là cơn "bão lạ" trong vòng 42 năm qua, xuất hiện ở Vĩ độ thấp ảnh hưởng trực tiếp tới vùng biển Bình Thuận – Bà Rịa -Vũng Tàu. Theo dự báo sáng ngày 1 – 4, bão số 1 sẽ vào bờ, nếu tốc độ nhanh bão sẽ vào bờ lúc nửa đêm. Vì vậy, việc di dời dân ở các khu vực bão đổ bộ phải thực hiện kiên quyết, các địa phương phải chuẩn bị phương án di dân tới vùng an toàn gần nhất khi bão đổ bộ tới. Lãnh đạo tỉnh và các huyện Long Điền, huyện Đất Đỏ, huyện Xuyên Mộc. TP Vũng Tàu cần tăng cường kiểm tra,đôn đốc công tác chuẩn bị phòng, chống bão tại địa phương.
|
Lãnh đạo tỉnh báo cáo tình hình phòng chống bão số 1 với Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương. |
Sau buổi làm việc với Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh, đoàn kiểm tra Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương đã đi kiểm tra thực tế tại số địa phương ven biển của tỉnh. Cùng đi với đoàn còn có ông Nguyễn Tuấn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy.
Tại các nơi đến là cảng cá Lộc An, huyện Đất Đỏ và Cảng Bến Lội – Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, đoàn đã ghi nhận sự nỗ lực của các địa phương trong công tác triển khai phòng chống bão.
Tại huyện Đất Đỏ, theo báo cáo của lãnh đạo huyện, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên đến 15 giờ ngày 31-3, toàn bộ 802 tàu thuyền của huyện đã về trú bão an toàn. Địa phương đã xác định 3 xã, thị trấn sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp nếu bão đổ bộ vào là xã Lộc An, thị trấn Phước Hải và thị trấn Long Hải với 1.921 hộ dân. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện đã phát lệnh di dời các hộ dân sống ở vùng nguy hiểm đến các điểm trú bão như trường học, Trung tâm văn hóa, chùa…
Còn tại cảng Bến Lội, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tính đến 17 giờ chiều 31.3 đãcó 475 tàu thuyền vào bờ và đang sắp xếp lại việc neo đậu cho an toàn nhất. Sốtàu thuyền còn hoạt động ngòai khơi (khoảng 150 chiếc) đang được Ban Chỉ huyp hòng chống lụt bão huyện cùng với gia đình tích cực tìm cách liên lạc để kêu gọi vào nơi trú ẩn an toàn. Các hộ dân trong xã cũng đã sẵn sàng di dời bất cứ lúc nào nếu huyện phát lệnh di dời, thậm chí vào ban đêm.
Sau khi kiểm tra các địa bàn xung yếu, ông Nguyễn Tuấn Minh nhắc nhở lãnh đạo các địa phương phải theo sát tình hình diễn biến bão để đưa ra phương án kịp thời khicó bão đổ bộ vào nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của; Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực để sẵn sàng ứng cứu trước, trong và sau khi bão đi qua; Thông báo cho người dân biết để có chủ động chằng chống nhà cửa chắc chắn; Đặc biệt, các địa phương có tàu thuyền đánh cá về bến lưu ý việc sắp xếp bến đậu trật tự an tòan, nhằm hạn chế va đập gây hư hỏng tàu thuyền…