Đoàn công tác đã đi kiểm tra tình hình thực tế tại hồ thủy lợi Phú Ninh (huyện Phú Ninh), hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My). Đại diện Ban quản lý dự án thủy điện 3 khẳng định: Hiện tại đập vẫn an toàn, tình trạng rò rỉ nước qua các khe nhiệt chỉ là “bệnh” không đáng kể. Hiện lưu lượng nước thấm qua thân đập đo được khoảng 73 dến 76 lít/giây, ứng với cao trình mực nước hồ chứa 155,77m. Phương án xử lý là nhờ đối tác từ Trung Quốc (đã được Hội đồng nghiệm thu nhà nước thẩm định) phối hợp với chủ đầu tư triển khai thực hiện và hoàn thành trước ngày 30/8. Sau đó, cơ quan chuyên môn sẽ thẩm định và nếu đạt yêu cầu mới tiến hành tích nước. Ban Quản lý thủy điện 3 cũng đã có các phương án tại chỗ về phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn tại công trình và phối hợp phòng chống tại các vùng hạ du lân cận.
Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo UBND huyện Bắc Trà My vẫn đề nghị Ban quản lý dự án thủy điện 3 “nhìn nhận thẳng vào sự thật” bệnh tình của thân đập và tập trung khắc phục. Sau khi hoàn tất việc khắc phục, chủ đầu tư phải có cam kết bằng văn bản, gắn trách nhiệm là đập an toàn thì mới được tích nước trở lại. Lãnh đạo huyện Bắc Trà My cũng kiến nghị Đoàn công tác của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn có kiến nghị với các bên liên quan lắp đặt ngay hệ thống quan trắc động đất để theo dõi, nhằm có thông số chính xác, dự báo tình hình để có phương án ứng phó trong mừa mưa sắp tới.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, đại diện Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam đã báo cáo với Đoàn về công tác chuẩn bị, triển khai phương án phòng chống lụt bão năm 2012. Theo đó, Quảng Nam tiếp tục tuyên truyền giáo dục đối với ngư dân về tình hình thiên tai trên biển; vận động nhân dân nâng cao nhận thức về công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai dựa vào cộng đồng; kiểm tra, gia cố các công trình hồ chứa; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư, tổ chức di dời các hộ dân ở những vùng có nguy cơ cao sạt lở đất…
Đại diện Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị với Đoàn công tác về đề xuất Quốc hội sớm ban hành Luật Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai; trang bị cho Bộ đội Biên phòng tỉnh ít nhất 1 tàu cứu hộ cứu nạn với công suất lớn nhằm cơ động xử lý kịp thời các tàu cá bị nạn; bổ sung cho các Đội xung kích PCLB ở xã phường 2.000 áo phao, 300 lao cầm tay, 50 bộ lều bạt…
Sau khi đi kiểm tra thực địa và nghe báo cáo từ đại diện tỉnh Quảng Nam , Trung tướng Trần Quang Khuê khẳng định: Bộ Quốc phòng đã xác định nhiệm vụ xử lý, ứng phó thảm hoạ và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ chiến đấu của quân đội trong thời bình và Bộ cũng cho phép khi có nhiệm vụ cứu nạn thì người chỉ huy đựơc phép huy động lực lượng cứu nạn và báo cáo chứ không nhất thiết phải chờ đợi. Khi có vấn đề cần cứu nạn trên biển, trên bộ, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam báo với Quân khu V, Vùng Cảnh sát biển 2...Theo đó, chỉ huy các đơn vị trên sẽ chấp hành nguyên tắc mà Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định trong công tác phối hợp phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn.
Với những kiến nghị của tỉnh Quảng Nam, Đoàn công tác cho biết sẽ tổng hợp ý kiến và cụ thể hóa quy chế phối hợp giữa các ban ngành, chính quyền và nhà máy thủy điện để đưa công tác phòng chống lụt bão được thực hiện tốt nhất. Những yêu cầu về trang thiết bị, Đoàn công tác sẽ báo cáo lên Quốc hội xem xét, giải quyết trong thời gian sớm nhất.