Quy mô dự án diện tích 8.364,5 ha thuộc vùng ven biển chạy dọc theo tuyến đê biển từ Mũi Nai (Hà Tiên) đến Tiểu Dừa (An Minh) dài hơn 200 km. Theo đó, ngoài việc bảo vệ, phát triển diện tích rừng phòng hộ ven biển hiện có, tỉnh lựa chọn những loài cây kết hợp xây dựng quy trình trồng rừng phù hợp với từng điều kiện lập địa đặc thù nhằm đảm bảo tỷ lệ cây sống cao, thành rừng có chất lượng và bền vững, nhất là những vùng đang bị xói lở nghiêm trọng. Trên cơ sở cắm mốc phân vạch bãi bồi ven biển, giao khoán cho hộ dân và triển khai trồng rừng, ngành chức năng tỉnh Kiên Giang xây dựng những mô hình trồng rừng kết hợp nuôi trồng thủy sản bền vững, hiệu quả, vừa đảm bảo chức năng phòng hộ, ngăn chặn xói lở và sạt lở đất bờ biển, vừa tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho cư dân. Cụ thể là thiết kế, thử nghiệm mô hình hàng rào bảo vệ bờ biển ở huyện Hòn Đất, làm giảm năng lượng của sóng, từng bước ổn định bãi bồi, giúp rễ cây rừng mới trồng bám sâu vào đất, trụ vững trước sóng to, gió lớn và phát triển thành rừng; giao khoán đất rừng phòng hộ ven biển cho cư dân sản xuất theo tỷ lệ 70% diện tích trồng rừng và 30% diện tích nuôi trồng thủy sản.
Tỉnh xây dựng cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn; trồng cây phân tán trên tuyến đê biển và vùng ven biển để ngăn chặn xói lở, tạo cảnh quan và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tỉnh tăng cường quản lý, bảo vệ rừng kết hợp xây dựng các mô hình hoạt động có sự tham gia của cộng đồng cư dân vùng ven biển; đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế trong nghiên cứu các mô hình canh tác, chọn giống cây trồng, vật nuôi thích ứng trong điều kiện biến đối khí hậu và nước biển dâng; cảnh báo thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong khu vực.
Rừng phòng hộ ven biển tỉnh Kiên Giang hiện được phân cấp là rừng phòng hộ rất xung yếu có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển, hạn chế tác hại của gió, sóng biển, bão tố và bảo vệ môi trường, đời sống, sản xuất của cư dân. Hiện trạng rừng này gồm: rừng tự nhiên và rừng trồng chưa thực sự bền vững, ổn định để ứng phó hữu hiệu trước tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Rừng tự nhiên với các trạng thái cây mắm non xen lẫn cây giá; rừng mắm non; rừng hỗn giao đước - mắm non… Rừng trồng với rừng bần non, rừng đước cấp tuổi III - IV trồng trên đất giao khoán cho hộ sản xuất lâm - ngư nghiệp./.