Lãnh đạo huyện Kim Sơn cho biết: Trước diễn biến phức tạp của bão số 8, cán bộ và nhân dân huyện Kim Sơn đã chủ động triển khai nhiều phương án nhằm đối phó với bão nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. Huyện đã chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ thu hoạch nhanh diện tích lúa mùa muộn, thu hoạch thủy hải sản.
Đối với vùng bãi bồi ven biển, huyện đã thành lập sở chỉ huy tiền phương đặt tại Trung tâm chỉ huy PCLB & TKCN, cảnh báo sóng thần tại đê BM2; BCH phòng chống lụt bão các xã, thị trấn, các Tiểu khu, các Tiểu ban thường trực 24/24 giờ; triển khai ngay các biện pháp phòng, chống cơn bão số 8 theo phương châm "4 tại chỗ" theo phương án đã được phê duyệt. Đến tối ngày 28/10, huyện đã kêu gọi 150 phương tiện với 300 ngư dân vào nơi trú ẩn an toàn. Huyện phối hợp cùng Đồn Biên phòng Kim Sơn kêu gọi, di dời 1.500 lao động từ đê BM2 đến đê BM3 ra Cồn Nổi vào nơi trú ẩn an toàn.
Huyện đã lập 6 chốt gác trên tuyến đê BM2, BM3 để kiểm tra đê, ngăn chặn không cho ngư dân ra phía ngoài đê. Các xã bãi ngang Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải phối hợp với các lực lượng Công an, Quân dội di dân trong địa bàn quản lí hành chính về nơi an toàn, từ nhà cấp 4 sang nhà kiên cố mái bằng, từ nhà tạm về các trường học. Huy động 3 xe chở khách thường trực tại UBND các xã bãi ngang sẵn sàng di dân vào các xã phía trong khi cần thiết.
Người dân xóm 8, xã Kim Tân nhanh chóng sửa nhà sau bão |
Các xã, thị trấn huy động vật tư theo quy định của phương án, đồng thời huy động 4 xe tải chở: 300 áo phao, 152 bạt chắn sóng, 10 nhà bạt, 300kg dây thép buộc và 100 cuốc, xẻng, mai, móng, 20.000 bao tải thường trực tại Trung tâm chỉ huy PCLB & TKCN, cảnh báo sóng thần tại đê BM2. Các xã, thị trấn huy động tối đa lực lượng công an viên, dân quân tự vệ, lực lượng xung kích, đồng thời đề nghị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh hỗ trợ thêm. Tổng số cán bộ chiến sỹ đã tăng cường là 422 người. Huyện đã ứng cho mỗi xã bãi ngang 20 triệu đồng; mỗi xã, thị trấn chuẩn bị 1 tấn gạo, 2 tạ mì tôm và lương khô phục vụ nhân dân khi phải di dân. Bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế huyện, phòng khám đa khoa tiểu khu IV sẵn sàng cấp cứu người bị nạn trong và sau bão; chuẩn bị đủ cơ số thuốc dự phòng và vệ sinh môi trường.
Nông dân các xã bãi ngang khắc phục ao, đầm nuôi thủy sản |
Các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo, đôn đốc nhân dân tập trung thu hoạch diện tích lúa mùa muộn và phương án PCLB & TKCN đã được phê duyệt. Các xã, thị trấn có bến đò ngang đã phối hợp với công an huyện kiểm tra lập biên bản, kí cam kết với 14 đò ngang, đồng thời lập 14 chốt gác tại 14 đò ngang trên tuyến sông Đáy, sông Càn không được hoạt động khi có bão. Các lực lượng Công an, Quân đội, Biên phòng tỉnh, huyện, xã và các lực lượng xung kích thường trực 24/24 giờ tại các vị trí xung yếu...
Để khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 8 gây ra, ngay sáng ngày 29/10 huyện Kim Sơn đã chỉ đạo cho UBND các xã bãi ngang phối hợp với các lực lượng Công an, Quân đội xử lý những nhà bị đổ, sửa lại một số nhà bị tốc mái; thực hiện công tác vệ sinh môi trường, giải tỏa cây cối gẫy, đổ, đảm bảo giao thông.
Ngành giáo dục khắc phục kịp thời những thiệt hại về cơ sở vật chất tại các nhà trường, đảm bảo cho việc dạy và học của giáo viên, học sinh diễn ra bình thường.
Các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị liên quan, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại về tài sản của nhân dân, nhà nước. Khẩn trương khắc phục hậu quả của do bão gây ra để sớm ổn định cuộc sống cho nhân dân, đặc biệt là đối với các hộ nhân dân có nhà bị đổ, bị tốc mái, các gia đình chính sách, hộ nghèo; khôi phục sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại.
Tăng cường kiểm tra đảm bảo công tác vệ sinh môi trường sau bão. Các cơ quan, đơn vị khôi phục hệ thống điện, hệ thống thông tin liên lạc phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh.