Vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất gồm các xã: Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Tây, Sơn Hồng, Sơn Lĩnh, các thị trấn Tây Sơn, Phố Châu, Sơn Trung, Sơn Mai và các xã dọc sông Ngàn Phố, BCH có phương án riêng, gọi là phương án cứu hộ, cứu nạn vùng trọng điểm. Trước đó, tiến hành rà soát, kiểm tra, thống kê đến từng hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng, có khả năng bị uy hiếp do lũ quét, sạt lở đất. Coi trọng công tác tuyên truyền, cảnh báo giúp người dân biết và phòng tránh. Ký hợp đồng cam kết đến từng hộ, xây dựng phương án chủ động triển khai di dời dân, tài sản, gia súc… ra khỏi vùng nguy hiểm trước khi có nguy cơ xảy ra. Khi dân đã ra đi, cử lực lượng tuần tra, kiểm soát đề phòng kẻ xấu lợi dụng, ngăn ngừa không cho bà con tự động trở về khi chưa có lệnh.
Vùng thường bị ngập sâu, vùng ngoài đê như: Sơn Tân, Sơn Mỹ, Sơn Hà, Sơn Trà, Sơn Long, Sơn Thịnh, Sơn Hòa, Sơn An, Sơn Bằng, Sơn Phúc…, BCH tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng tránh lũ, đặc biệt là với trẻ em, học sinh. Tổ chức lực lượng giúp các hộ neo đơn, già cả, trường học, trạm xá… vận chuyển đồ đạc, lương thực, thực phẩm… lên chỗ cao. Bố trí lực lượng canh gác ở những địa điểm xung yếu để hướng dẫn giao thông đi lại, tránh xảy ra tai nạn. Có phương án chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước sạch, thuốc thiết yếu để đối phó với lũ lụt dài ngày. Nhân dân vùng này có hình thức chống lũ khá hiệu quả là làm nhà chòi, đổ tam cấp làm cầu dẫn cho người và gia súc lên nơi cao. Phong trào làm nhà chòi hoặc thường gọi là lều chống lũ, cao tầm 10- 12m (trên mức nước các trận lũ lịch sử) kinh phí cỡ 25 – 30 triệu đồng/nhà, đang được nhân rộng bởi tính hiệu quả của nó. Mặt khác, khi xây dựng các công trình mang tính cộng đồng từ thôn bản trở lên như hội quán, trường học, trạm xá, trú sở làm việc… đều phải tính đến lũ lụt; thiết kế cao tầng, rộng rãi hơn để phục vụ cho người và tài sản tránh lũ.
Vùng đê Tân Long, BCH PCLB huyện chỉ đạo kiểm tra một cách thường xuyên, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố, hư hỏng xảy ra. Trong trường hợp có mưa lũ, BCH chịu trách nhiệm chỉ huy, điều hành chống lũ từ mức báo động 3 trở lên. BCH PCLB các xã Sơn Châu, Sơn Hà, Sơn Mỹ, Sơn Tân, Sơn Long chỉ huy điều hành công tác phòng chống lũ theo địa giới hành chính, chỉ đạo lực lượng quản lý để nhân dân thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ cụ thể đã được huyện giao. Chuẩn bị đầy đủ vật tư tại chỗ, các lực lượng canh gác, xung kích hộ đê theo chỉ tiêu huyện giao và tổ chức giải tỏa hành lang bảo vệ đê theo quy định.
Vùng các hồ chứa lớn như: Nội Tranh, Khe Cò, Vực Rồng, Khe Mơ, Khe Dẻ, Cây Trường, Cầu Kè, Cao Thắng do BCH PCLB huyện chỉ đạo điều hành công tác phòng chống khi mức nước đạt mức gia cường trở lên. BCH PCLB các xã có hồ chứa phải thường xuyên kiểm tra phát hiện các sự cố để xử lý trước mùa mưa lũ. Khi lũ lụt xảy ra, phải có trách nhiệm điều hành toàn bộ công tác phòng chống cho các công trình trên địa bàn. Khi tình huống khả năng vỡ đập, BCH PCLB các xã chỉ huy điều hành phương án di dời dân vùng hạ du ra ngay khỏi khu vực nguy hiểm.
Phải làm bằng được vụ đông
Lãnh đạo Hương Sơn cho rằng, vụ Đông có ý nghĩa đặc biệt với chăn nuôi, nhất là chăn nuôi, sau lũ lụt. Thông thường sau lũ rút là đồng cỏ trống trơn, thức ăn dự trữ cho gia súc không còn, vật nuôi yếu sức do bị thiếu đói dài ngày, dịch bệnh đe dọa lại phải chống chọi với cái rét cận kề. Vì thế, vụ đông không chỉ là cứu cánh của người mà còn mang tính sống còn với gia súc, gia cầm. Ở Hương Sơn vụ đông chủ lực là 2.500 ha ngô, bình quân thu về 8000 tấn hạt cứu đói cho người và vật nuôi.
Theo ông Nguyễn Duy Trinh, ý thức được điều đó, nên năm nào huyện cũng chỉ đạo rất quyết liệt, đặc biệt vụ đông 2010 phải trồng đi trồng lại 3, 4 lần vẫn phải làm. Quan điểm của huyện nếu thu được hạt là quý nhất, bằng không chỉ lấy thân cây để làm thức ăn chăn nuôi xanh cũng rất tốt. Nhờ có nó mà Hương Sơn đã cứu được 25 ngàn con hươu, 36 ngàn con trâu bò, 40 ngàn con lợn, hơn 50 vạn con gia cầm không chết đói, chết rét, kể cả những năm rét đậm, rét hại như năm 2007, 2008, 2010…
Đây cũng là bài học quý không chỉ riêng cho Hương Sơn mà còn với nhiều địa phương khác.