|
Diễn tập cứu hộ, cứu nạn ở Hữu Lũng - Ảnh: Dương Nguyên |
Địa hình chủ yếu là đồi núi thấp, với phần lớn các xã nằm dọc theo lưu vực của sông Thương, và sông Trung, cùng với hệ thống khá nhiều suối nhỏ, ngập, úng là nguy cơ lớn nhất đối với Hữu Lũng trong mùa mưa bão. Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lạc cho biết: toàn xã có 12 thôn, hơn một nửa trong số đó nằm dọc theo lưu vực sông Thương, nếu xảy ra mưa lớn bất thường, thì những địa phương này có nguy cơ bị ngập rất lớn. Xác định được những nguy cơ tiềm ẩn đó, hàng năm Hòa Lạc đều tiến hành kiện toàn lại Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN), đồng thời chủ động xây dựng phương án phòng chống trước khi bước vào mùa mưa bão. Đến thời điểm này, theo ông Sơn, Hòa Lạc đã cơ bản kiểm tra, tu sửa, gia cố các công trình thủy lợi, đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão, mặt khác đã xây dựng kế hoạch sơ tán nhân dân ở vùng thấp khi có tình huống xảy ra.
Ông Hoàng Thế Hưng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hữu Lũng cho biết: ngoài Hòa Lạc, đến thời điểm này, huyện đã chỉ đạo tất cả các địa phương kiện toàn lại Ban chỉ huy PCLB-TKCN năm 2012, đồng thời huyên đã cử cán bộ chuyên môn kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các hồ chứa lớn trên địa bàn huyện. Các trang thiết bị cũng được kiểm kê để có phương án phân bổ cho từng vùng trọng điểm. Hiện tại, Ban chỉ huy PCLB-TKCN của huyện đang quản lý 1 máy fax; 135 áo phao và phao tròn; giường gấp, đèn pin, xuồng cao su. Trong khi đó, các địa phương có thuyền, mảng dọc sông Thương và sông Trung đã được tỉnh trang bị cho trên 400 áo phao và phao tròn các loại…đảm bảo cho địa phương có thể triển khai các phương án PCLB-TKCN một cách thuận tiện nhất theo phương châm 4 tại chỗ. Điểm lại năm 2011, thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh là khá nặng nề, đã có 3 gười bị chết và 3 người bị thương, thiệt hại về tài sản lên tới 10 tỷ đồng. Ngay trong những ngày cuối tháng 4 vừa qua, 2 huyện Chi Lăng và Tràng Định đã liên tiếp xảy ra lốc xoáy, gây ảnh hưởng lớn tới kinh tế của nhân dân. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Chi Lăng đã có 1 người bị thương; 281 ngôi nhà, 18 phòng học và 1 trạm y tế bị tốc mái; 1 nhà bị sập đổ hoàn toàn; 1.450m tường rào bị đổ; 5ha ngô và 4,7 mẫu cà chua bi bị ảnh hưởng nặng…Ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 940 triệu đồng. Cùng trong thời gian này, trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã xảy ra mưa đá trên diện rộng, tuy nhiên rất may là lượng mưa không lớn, nên thiệt hại xảy ra cũng chưa đáng kể. Những diễn biến phức tạp ngay từ đầu mùa mưa bão đã báo trước những dấu hiệu bất thường trong năm nay. Tuy nhiên một điều đáng mừng là khi xảy ra thiên tai, các địa phương đã rất chủ động về thông tin, báo cáo, cũng như hiệp đồng với các đơn vị đóng quân trên địa bàn để giúp nhân dân vùng thiên tai khắc phục thiệt hại. Như đợt lốc xoáy tại Chi Lăng vừa qua, Trung đoàn 141, Sư đoàn 3, Quân khu I, ngay sau khi nhận được tin báo đã cử trên 100 cán bộ, chiến sĩ giúp nhân dân khắc phục hậu quả. Trong khi đó ở Tràng Định, chính quyền địa phương cũng nhanh chóng tới thăm hỏi, động viên và cùng vào cuộc để giúp nhân dân ổn định đời sống và sản xuất.
|
Cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 141, Sư đoàn 3, Quân khu 1 giúp nhân dân xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng khắc phục hậu quả của lốc xoáy - Ảnh: Lê Minh |
Trong hội nghị tổng kết công tác PCLB-TKCN năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012 được tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua, với phương châm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả khi thiên tai xảy ra, Ban chỉ huy PCLB-TKCN của tỉnh đã đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm 2012. Trong đó quan trọng nhất là chủ động xây dựng phương án theo phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo thông tin liên lạc, có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, ngành, các đơn vị… Đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCLB-TKCN của tỉnh nhấn mạnh: các địa phương cần khẩn trương kiện toàn các ban chỉ huy từ huyện tới cơ sở, đồng thời chú trọng tới việc xây dựng các phương án phòng, tránh, đảm bảo an toàn cho người và tài sản khi thiên tai xảy ra. Tới thời điểm này, công tác chuẩn bị đã cơ bản được các địa phương trong toàn tỉnh hoàn tất, Lạng Sơn đã và đang có sự chủ động tốt nhất về nhân lực, vật lực, sẵn sàng đối phó với các tình huống trong mùa mưa bão.