Tại huyện Kbang, phía Đông tỉnh Gia Lai, giáp với tỉnh Bình Định, từ đêm qua (5/10), lượng mưa đã tăng đáng kể, khiến hầu hết mực nước ở các hồ đập trên địa bàn huyện đã đạt ngưỡng cho phép. Theo thông tin mới nhất, Thủy điện An Khê Ka Nak (nằm trong địa bàn huyện Kbang) đã có thông báo chuẩn bị xả lũ với mức 3.000 m3/giây. Đây là sẽ điều hết sức lo ngại cho hàng nghìn người ở hạ du thuộc các xã Đông, Nghĩa An, Đăk Hlơ và thị trấn Kbang.
Cùng với đó, trên địa bàn huyện còn 6 điểm xung yếu vùng thượng nguồn thuộc các xã Đăk Roong, Sơn Lang, Sơ Pai, Lơ Ku, nếu xảy ra mưa lớn kéo dài có khả năng bị chia cắt, cô lập gần 400 hộ dân. Hiện toàn bộ lãnh đạo từ cấp huyện đến xã, thị trấn đang trực 24/24 để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.
Ông Trần Vĩnh Hương, Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết: “Ban quản lý thủy điện 7 chuẩn bị xả lũ qua tràn. Khi nào có lũ, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục báo đến địa phương, các xã vùng hạ du đập Ka Nak. Lực lượng công an, lực lượng thường trực của quân sự huyện đang chuẩn bị sẵn sàng, trên tinh thần trực 24/24h, khi nào có những chỗ xung yếu, sạt lở, ngập phải di dời… đã có phương án chuẩn bị sẵn sàng”.
Tại huyện Krông Pa, việc khắc phục một số tuyến đường bị sạt lở vẫn chưa hoàn thành. Lãnh đạo chính quyền và ngành chức năng huyện đang phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh để gấp rút khai thông các tuyến đường này. Đồng thời, do lượng mưa đã tăng cao, dự báo mực nước sông Ba có thể lên cao hơn báo động 2, có khả năng gây chia cắt tạm thời hơn 25.000 dân thuộc 5 xã phía Đông Nam của huyện, nên việc chỉ đạo các phương án đối phó đang hết sức gấp rút.
Ông Tô Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban phòng chống lụt bão huyện Krông Pa cho biết đang triển khai lực lượng kiểm tra công tác chuẩn bị, nắm bắt tình hình và công tác phòng chống bão.
Ông Trần Trung Thành, Phó giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Tây Nguyên cho biết, từ sáng 6/10, lượng mưa trên toàn tỉnh Gia Lai đang ngày càng lớn, hiện đã đạt mức bình quân gần 60mm, nhiều nơi đạt hơn 120mm. Dự kiến từ chiều tối 6/10, mưa sẽ rất tập trung, có khả năng gây lũ quét, lũ ống ở thượng nguồn các sông suối. Do đó, chính quyền, ngành chức năng tỉnh Gia Lai cần hết sức đề phòng.
Cũng theo Đài Khí tượng Thủy văn Tây Nguyên, hiện hầu hết lưu lượng chứa ở các hồ thủy điện, thủy lợi trên các sông Ba, sông Sê San đã đạt ngưỡng cho phép, đã và chuẩn bị xả lũ. Cụ thể, hồ thủy điện Plây Krông đã xả lũ với mức 1400-1800m3/giây, hồ thủy điện Yaly đã xả lũ với mức 2000 – 2.500m3/giây.
Còn đối với sông Ba, hiện mực nước mới ở báo động 1, nhưng có khả năng trong đêm nay sẽ cao hơn báo 2 đến sát báo động 3. Vì vậy, người dân sống dọc sông Sê San, sông Ba thuộc tỉnh Gia Lai cần hết sức đề phòng lũ ống, lũ quét. Chính quyền và ngành chức năng tỉnh, các huyện cần có các thông báo tình hình sớm nhất cho người dân./.