Theo nhận định của Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung – Tây Nguyên, các địa phương đã nghiêm túc triển khai chỉ đạo của Chính phủ, của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn về công tác phòng, chống bão số 7.
Ngay sau khi bão tan, các địa phương trong khu vực triển khai công khắc phục hậu quả do bão số 7, mưa lũ gây ra, sớm ổn định sản xuất, sinh hoạt, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh do lũ lụt gây ra.
Đợt bão lũ vừa qua khiến 1 người chết tại Đắk Lắk, 1 người bị lũ cuốn trôi mất tích tại Quảng Nam và 1 người bị thương tại Bình Định. Tổng số nhà bị sập, ngập, hư hại là 589 căn; tổng diện tích lúa bị ngập, hư hại: 210 ha. Tổng diện tích hoa màu bị ngập, hư hại: 245 ha.
Riêng tại Phú Yên, chiều 7/10, hàng nghìn hộ dân sơ tán tránh bão lũ đã quay trở về nhà ổn định cuộc sống. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, toàn tỉnh có 3.634 hộ/11.748 khẩu phải di dời đã trở về nơi ở cũ.
Một số hồ thủy điện khu vực miền Trung đang tiến hành xả lũ theo quy trình, thủy điện Sông Ba Hạ (Phú Yên) đang xả lũ với lưu lượng 3.300m3/giây. Nhiều hồ khu vực Tây Nguyên (lưu vực sông Sê San, Sêrêpôk) đã đầy và bắt đầu xả lũ như Ialy, Pleikrong, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4, Sê San 4A, Buôn Tua Sa, Buôn Kuốp, Sêrêpôk 3, Sêrêpôk 4.
Các hồ chứa thủy lợi khu vực miền Trung – Tây Nguyên chưa đầy so với dung tích thiết kế; một số hồ đã đầy như Suối Trầu (Khánh Hòa), Đắc Uy (Kon Tum), Đắc Yên (Kon Tum), Biển Hồ (Gia Lai); 8 hồ đang xả điều tiết theo quy trình: Định Bình (Bình Định), Cam Ranh (Khánh Hòa), Suối Dầu (Khánh Hòa), Tân Giang (Ninh Thuận), Trà Co (Ninh Thuận), Ayun Hạ (Gia Lai), Ia Ring (Gia Lai), Ea Súp Thượng (Đắk Lắk).
Hiện các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến thời tiết sau bão số 7.