Nhiều diện tích lúa mùa và thu đông mới xuống giống ở các địa phương khác tại huyện Châu Thành, Mỹ Tú, Ngã Năm, Thạnh Trị của tỉnh Sóc Trăng đang lâm vào cảnh bị ngập sâu 20 - 40cm. Tại huyện Ngã Năm, trạm bơm của huyện hoạt động hết công suất để bơm nước cứu lúa nhưng vẫn không hiệu quả.
Theo thống kê, tỉnh Sóc Trăng hiện đã xuống giống được gần 20.000ha lúa mùa và lúa thu đông. Nếu tình hình mưa bão tiếp tục kéo dài trong những ngày tới, khả năng có khoảng 25% diện tích này bị ảnh hưởng và tiến độ xuống giống sẽ chậm.
Hàng trăm hecta lúa trôi theo dòng nước (Ảnh: TNO) |
Còn tại tỉnh Cà Mau, mưa lớn ngây ngập úng nhiều diện tích lúa và hoa màu của nông dân các huyện vùng ngọt như Thới Bình, Trần Văn Thời, U Minh, Năm Căn và Cái Nước.
Tại tỉnh Hậu Giang, mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua cũng đã làm cho hơn 1.000ha lúa thu đông ở huyện Long Mỹ trong giai đoạn từ 5 - 15 ngày tuổi bị ngập úng hoàn toàn, tập trung ở các xã Vĩnh Viễn, Vĩnh Viễn A và Lương Tâm. Ngoài ra, còn có hơn 150ha lúa thu đông đang trong thời gian thu hoạch bị mưa lớn làm cho đổ ngã.
Tại huyện Vị Thủy, mưa liên tục cũng đã làm cho dịch bệnh trên lúa lúa thu đông gia tăng, trong đó có hơn 200ha bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông và lem lép hạt. Riêng tại huyện Châu Thành A, do ảnh hưởng mưa lớn và gió mạnh nên đã làm sập một căn nhà ở xã Tân Hòa và làm cho hàng trăm hecta lúa thu đông sắp thu hoạch bị đổ ngã, khiến cho chi phí thu hoạch tăng cao và do không phơi được nên chất lượng lúa giảm khó tiêu thụ.
Không chỉ thiệt hại trên cây lúa và hoa màu, hiện diện tích mía ở huyện Phụng Hiệp cũng đang có nguy cơ bị mưa lũ đe dọa. Để khắc phục thiệt hại này Uỷ ban nhân dân các địa phương trong huyện đã triển khai thu hoạch mía nhằm hạn chế thiệt hại.
Ông Nguyễn Liên Khoa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang cho biết: Tỉnh đã chỉ đạo các nhà máy đường tiến hành thu mua cho dân sớm hơn mọi năm với giá thỏa thuận, sao cho phù hợp để sớm tiêu thụ mía, tránh thiệt hại do lũ về./.